Open top menu
Thứ Sáu, 8 tháng 6, 2012


                                         
                                        (tiếp theo)
Sau  vố bị cha Hoè truy vấn và mạt sát , cha Thư rút ẩn vào chính mình , “ đã hoá ra con người trầm lặng và buồn bã”. Trong số người giúp việc , cha chỉ quý mến có mỗi  mình một cậu bé giúp lễ tên Tú với một tình cảm đặc biệt :
“ Cậu bé chỉ đứng nhìn ông cha trẻ bằng cặp mắt trong suốt, nghiêm nghị và miệng hơi mỉm cười là bao nhiêu bực giận đã lập tức tiêu tan , là đã muốn mỉm cười  đáp lại và thăm hỏi một câu thật dịu dàng”
Tình cảm giữa ông cha trẻ và cậu bé giúp lễ được đẩy xa tới mức như tình cảm …cha con , anh em lại phảng phất mầu “đồng tính” :
“ Vả lại cậu ta còn biết cách săn sóc người chủ vừa tỉ mỉ vừa âu yếm, đem lại cái vị mặn của trần tục vào cuộc sống nhạt nhẽo thiêng liêng. Chính là cái vị muối của thế gian đã gắn bó họ lại như anh em, như cha con, và nếu họ phải  xa nhau thì nỗi đau đớn chia ly cũng sẽ rất xác thịt…”
Mê mẩn cậu phụ lễ , đức cha lên giọng :
“ Người lớn hay nghi ngờ, hay cứng cỏi, còn trẻ con thì tin tưởng và phó thác. Người lớn thì kiêu ngạo, tham lam, còn trẻ nhỏ thì hiền hoà , nhường nhịn. Người lớn  gian xảo, dối trá, còn trẻ nhỏ chỉ nói có nếu là có , nói không nếu là không. Người lớn là con rắn, trẻ nhỏ là bồ câu. Chúa đã từng vẫy gọi :” Hãy để trẻ thơ đến cùng ta, đừng có cản chúng. Bởi chưng nước Trời  thuộc về những kẻ giống như chúng…”
Cha có thể ca ngợi trẻ con , nhưng sao lại gây cho chúng thù ghét, ngờ vực người lớn đến thế này :
“ Con ơi ! Thầy ghê sợ mọi người, trừ trẻ nhỏ. Ai ai cũng có thể hãm hại được thày , trừ những kẻ trong trắng, ngây thơ như các con. Thầy nói bằng thật vì thầy đã từng  biết. Lời nói ngọt ngào  nhưng lại đọng vị đắng cay ; mời chào và cởi mở là bẫy vô hình : gương mặt thánh thiện che đậy những mưu mô hiểm độc. Thầy đã bị khốn mấy lần rồi. Con nên tin lời thầy dặn…”
Xa hơn nữa, cha còn xúi bậy :
“ …phải biết ngờ vực những cảm tưởng tốt đẹp ban đầu, phải biết tránh xa những cám dỗ có tính xác thịt. Mắt thấy đẹp tức là không đẹp, tai nghe hay tức là không hay, lưỡi nếm ngon tức là không ngon…”
Linh mục là đấng chăn dắt linh hồn cho con chiên. Con chiên gần gũi linh mục ắt phải được học hỏi, trau dồi tâm hồn trong sáng và cao thượng. Vậy mà cậu bé phụ lễ  gần gũi cha Thư, suốt ngày bị cha nhồi nhét tư tưởng thù hằn và mất lòng tin vào người, nhà thờ đã biến thành nơi đầu độc con người nguy hiểm như vậy, liệu có  đáng tồn tại ? Phải chăng đó là “triết luận “ về đạo Thiên chúa và “chủ nghĩa xã hội” của Nguyễn Khải ?
Cậu Tú phụ lễ sống trong nhà đạo vẫn phải đi lao động công ích với thanh niên trong xóm. Ra tiếp xúc với đời, cậu lại nghe lời khích bác rủ rê :
“ Giả sử chúng tôi lại có một người con trai như cậu, nói cậu bỏ lỗi nhá, thì tôi chẳng còn ước ao cái nước thiên đàng nào khác. Cậu đưa bàn tay tôi xem, bàn tay đẹp quá, vừa mỏng vừa mềm, tay này có học nghề gì cũng mau giỏi, mau khéo…”
Ra ngoài đời được tâng bốc rủ rê, trở về nhà đạo, cậu Tú lại  ngập tai những chuyện bê bối xấu xa trong các thầy dòng, các cha cố. Nào chuyện khai gian tiền chợ , nào chuyên trai gái của các cha …Cứ một đằng “đời” thì kéo, một đằng “đạo” thì đẩy như vậy, trước sau cậu Tú phụ lễ cũng phải bỏ đạo mà về với đời. Cậu phàn nàn với ca xứ :
“ Thưa thầy, ngày hôm nay con được nghe nhiều chuyện đến nhơ nhớp , chưa bao giờ con được nghe người ta nói với con, nói với nhau những chuyện lạ lùng đến thế …”
Lẽ ra cha xứ là linh hồn của nhà thờ, phải bảo vệ uy tín cho đạo, phải tìm cho ra thực hư trong “những câu chuyện nhơ nhớp” mà cậu phụ lễ “buôn chuyện’ ở đâu , đằng này cha lại phụ hoạ , bôi thêm tiếng xấu , kể tội nhà thờ mà chính cha  là đại diện:
“ Một cặp kết bạn đến đưa cho đấng chăn chiên tám chục đồng, đấy là tiền biếu riêng , còn phí tổn dầu nến người ta đã chi một món khác rồi. Đấng chăn chiên đưa trả lại năm đồng, chỉ cầm có bảy mươi nhăm đồng, rồi bảo :” Cha chỉ lấy một nửa , còn cha cho con một nửa. Vậy là cha đã nâng giá lễ xin phép cưới từ tám chục lên trăm rưởi…”
Vào những năm thập kỷ 60, chuyện cha bỏ túi tiền “làm lễ cưới” là “tội lỗi xấu xa” . Cha lại tố cáo tiếp  :
“ Có bảy cặp làm lễ vào tối thứ bảy . Sáng chúa nhật linh mục rao ở nhà thờ chỉ hoan hô có ba đôi sáu anh chị em đã có tinh thần ngoan đạo. Đấy là ba đôi có tiền xin lễ cưới, còn bốn cặp kia chỉ làm phép cưới suông thì coi như không có. Có tin được không ? Không thể tin được ! Không thể tin như vậy được ! Lạy Chúa…”
Cha kêu lên vì phẫn nộ, cha không còn biết chia sẻ với ai cái nỗi ghê tởm đó ngoài cậu phụ lễ .Vậy là hai người đã ngầm  họp thành một khối tách khỏi sự dơ bẩn của nhà thờ. Ông nhà văn không dừng ở đó, ông còn đẩy cha cố và thầy phụ lễ đi xa hơn nữa về phía…cách mạng để trong cuộc đối đầu giữa “ton giáo “ và “chủ nghĩa xã hội”, phần thắng phải thuộc về ‘sự nghiệp của toàn Đảng, toàn dân”, minh hoạ cho “luận thuyết “ “ai thắng ai” một thời bao trùm lên đời sống tinh thần dân miền Bắc.
Thế rồi một ngày nọ, ông chánh trương trố mắt nhìn cha linh mục ăn mặc lạ đời :
” cha mặc chiếc quần xanh đã cũ, một cái áo cộc tay nhuộm nâu, chân đi dép cao su, đầu đội mũ lá như …một anh cán bộ”, khiến ông chánh trương phải kêu lên :
“ Lạy Chúa ! cha đi đâu sớm vậy , mà lại ăn mặc như vầy ?”
Hoá ra cha đi thăm…bà con đang lao động sản xuất, hơn thế nữa, cha muốn cùng lao động với bà con :
“Ông chánh giới thiệu tôi với ông phụ trách tổ làm màu nhá. Tôi muốn hàng ngày tới đó làm một buổi. Còn việc nhà Chúa chỉ cần làm một buổi là đủ…”
Ông nhà văn thật  “to gan”, ông gán ghép cho cả cha cố “giác ngộ ý thức lao động”, coi “lao động là vinh quang” , từ bỏ vị trí “đạo cao đức trọng” để đòi “ba cùng” với nông dân không khác gì cán bộ cải cách ruộng đất. Tất nhiên ông chánh trương không đời nào để cha  phá vỡ lề luật của nhà thờ như vậy . Ông nhắc nhở cha :
“ Chúa đã phân mỗi  người một việc. Việc của cha trọng hơn việc chúng con, sao lại bỏ việc trọng để làm những việc khác…”
Cha chẳng những không nghe theo ông chánh trương mà còn tỏ vẻ thích thú được  thoát cái vỏ làm cha :
Tôi ra cùng làm với bà con chứ thăm thú gì ….
Ra đến đường , cha Thư lấy kính râm đeo rồi hỏi nhỏ :
“ Nom tôi đã ra anh cán bộ chưa ?”
Ối Giêsuma lậy Chúa tôi,  làm cha cố mà lại muốn..giống anh cán bộ, muốn học theo bác Hồ ‘đi sâu đi sát” , cùng lao động với nhân dân . Ông “cha cố” của Nguyễn Khải đúng là cha dở người, sắp bỏ áo choàng thâm để xin vào Đảng thật rồi. Quả nhiên ông chánh trương nghĩ thầm về cha :
” Ông này đã ra dở thật . Mặt mũi thì võ vàng , quầng mắt thì thâm đen, ăn nói lúc khôn lúc dại. Đến tội nghiệp!”
và cố khuyên giải cha :
“ Cán bộ họ không vận áo thâm chùng, thì người mặc áo thâm chùng không nên vận quần áo của cán bộ,  ăn mặc phải cho nó phân minh…”
Tất nhiên, cha Thư không hề có ý định bỏ đạo, ông chỉ muốn làm một thứ “linh mục đời mới” một chân trong nhà thờ, một chân thò ra ngoài xã hội , thực hiện đúng phương châm Nhà nước đề ra cho các nhà tu hành sống dưới chế độ xã hội chủ nghĩa :” tốt đời đẹp đạo”. Bởi thế, cha Thư mới tuyên  bố :
“ Tôi vẫn dâng trọn đời tôi để rao giảng Tin Mừng, nhưng không ở nhà tu, không mặc áo chức. Tôi sẽ sống như mọi người…”
Đó chính là cái hình mẫu “ linh mục” “tốt đời đẹp đạo” mà Đảng và Nhà nước bấy lâu nay vẫn đưa ra làm mẫu mực trong Hội những “người công giáo yêu nước”. Hóa ra cái gọi là “triết luận về thiên chúa giáo và chủ nghĩa xã hội” mà phê bình gia Vương Trí Nhàn gán cho “ Cha và con” của Nguyễn Khải chẳng có gì ghê gớm mà chỉ “minh hoạ” chủ trương “tôn giáo vận” của Đảng và Nhà nước với hình mẫu quái thai “ cha cố tốt đời đẹp đạo’ mà thôi. Cái hình mẫu “quái gở “ ấy nhất định vấp phải sự phản đối của con chiên. Bởi thế khi cha Thư xin một chân “lao động sản xuất” ở trại rau để “tự nuôi mình” lập tức bị ông Tài – con chiên, phản đối :
“ .Lạy cha, cha mà làm thế bằng trát bùn vào mặt chúng con còn gì. Xứ đạo này đâu đã đến nỗi túng thiếu ?”
Cha xứ vẫn khăng khăng đòi đi “lao động sản xuất “ :
“ Họ  nghĩ sao mặc họ, miễn là mình làm không sai…”
Quả thực nhà văn viết về linh mục hay về thanh niên “tích cực lao động xã hội chủ nghĩa” đây ? Chẳng thế mà ông cho  linh mục hăng máu lên, mạt sát nhà thờ :
Tôi không muốn sống như các linh mục khác, sống như thế nhơ nhớp lắm , mỗi người nhơ nhớp mỗi cách. Tôi còn trẻ, tôi còn đủ thời giờ để lại chút ít tiếng tốt cho xứ đạo. Bằng không làm được gì hơn thì trả lại áo chức mà về. Sống như kẻ có tội đã đau đớn, lại không được phép cứu chuộc mới thật là đau đớn hoàn toàn …”
Trải qua mấy thập kỷ, Nguyễn Khải liệu đã thấy rõ, ai là người sống nhơ nhớp ? Các linh mục trong nhà thờ hay các quan chức ngoài đời ? Bàn tay dàn xếp của ông nhà văn quá lộ liễu làm mất đi phần chân thực là cái cốt lõi, không thể thiếu  cho một tác phẩm văn chương.
                           
                     (còn tiếp)

Tagged

0 nhận xét