Open top menu
Thứ Sáu, 1 tháng 6, 2012


Sau tháng 5-1975, nhiều nhà văn Sàigòn túa xuống đường, không phải “ký giả đi hành khất “ phản đối chính phủ mấy năm trước, mà là…kiếm sống. Các nhà văn Nhật Tiến, Nguyễn Đình Toàn, Lê Tất Điều, Nguyễn Thụy Long, Trần thị Nguyệt Hồng….người bán chuối chiên, người bán bánh mì, người khắc guốc gỗ…Truyện in vào số 5 Văn học & Dư luận tháng 5-1992  nhưng vừa ra sạp  đã bị thu hồi.
Nhà văn Trần thị Ngh. rất nổi tiếng trước 1975 bởi các truyện ngắn “ Nhà có cửa khóa trái”, “Những ngày rât thong thả”,”Trưa mát mẻ” với lối viết rất mới mẻ.

                                                         Truyện ngắn Trần thị Ngh.

              Nhà văn Trần thị Ngh. và con gái Tường an (1992)

Thụ dẫn tôi đi loanh quanh qua mấy con đường chính của thị xã cùng  với túi xách lỉnh kỉnh. Không khí Tết tối mồng bốn một thành phố miền  biển, xem nào, tôi cố ý soi mói cái nơi tôi có thể sẽ định cư  lâu dài với người bạn đời là Thụ.
Đ­ường phố, nhà cửa, ngân hàng, khách sạn, hiệu ăn, rạp hát và những đám đông còn vui Tết – chưa thấy biển . Hai người tìm chỗ ăn tối. Thụ có những cố gắng còn dài hơi. Tôi đang bị thuyết phục và quan sát một cách hấp tấp.
- Em thấy sao ? Thành phố đẹp chớ ? Mỳ thánh  hiệu này thuộc loại khá. Rồi em sẽ biết cà-phê Tư­ Râu, phở Hiệp Lợi , bún bò xe lửa và bánh mì cà ri với giá lý t­ưởng .
- Ngoài các món ăn ra ?  Khí hậu, nhịp sống ?
Dĩ nhiên Thụ đã nói rất nhiều và nhiều lần về những thứ này . Khí hậu miền biển rất tốt cho sức khỏe của em và con, nhịp  sống thong thả làm em bớt nóng tính vả lại anh thấy em cũng nên tập xa dần cái thành phố ồn ào của em - trong đó có một đám bạn bè lúc nào cũng rủ em vượt biên. Vậy còn môi tr­ường văn minh, văn hóa ? Vấn đề giáo dục con cái ? Gia đình em ? Và ngay cả chính em với những tiện lợi tối đa thuộc khả năng chuyên môn, chưa kể những thói quen khó thay đổi ? Thụ khẳng định, em phải hy sinh. Tôi bắt đầu la lối, tại sao em, tại sao phải là em ?  Cuối cùng mọi chuyện lại đâu vào đấy, và chúng tôi tiếp tục giữ vững lập trường  riêng cho đến khi “ đứa con của chúng ta" đã được ba tuổi rư­ỡi. Thụ đề nghị một lần tham quan miền biển, tôi đồng ý trong tinh thần dân chủ.
 Đêm đầu tiên thành phố lạ tôi khó ngủ vì nhớ con.Trời lạnh nhưng tôi thấy ớn  cái chăn đắp  ở khách sạn. Một ngày đường hơn 400 cây số trên cái xe lửa loại 'tàu thườ­ng” ,ghế cứng : giá 3 đ 55 xu, cái bụng lơ lửng vì tô mì thánh 2đ ở hiệu Chú Xín, không khí khách sạn ban đêm... những cái này làm tôi đuối.
Cũng hai cái giưng phủ drap phẳng phiu, bàn viết, tủ đứng, nhà tắm chung với nhà cầu, bàn rửa mặt , vòi nước…Chỉ thiếu máy lạnh, giấy vệ sinh. xà bông, đồ gạt tàn thuốc , nước uống đựng trong chai . Như tất cả những khách sạn khác của  những thành phố khác tôi đã từng biết qua (cố ý hoặc không xếp trước)- cái mà Thụ gọi là một nét trong quá trình bản thân của tôi những ngày chưa  gặp Thụ, rõ ràng lần này tôi đã b­ước vào khách sạn với rất nhiều tình cảm đặc biệt . Tôi đã qua một đêm  khách sạn quốc doanh với người bạn đời. Quá trình bản thân bước qua một khúc quanh. Dù sao, sau đêm khó ngủ ở khách sạn, tôi đề nghị về nhà tập thể của Thụ, nơi cơ quan Thụ làm việc. Tôi sợ những cố gắng quá sức.

  
Bắt đầu cuộc tham quan ngay buổi sáng đã ổn định chỗ ăn ở. Trước mắt, anh sẽ đưa em đến thăm ngay một nhà văn lớn của chế độ cũ. Hoàn toàn không có ý định gì, ngoại trừ  giúp em an tâm, nếu em tự cho rằng em cũng là một người viết trong làng văn Sài Gòn ngày trước.
Ngôi nhà nhỏ, cũ, thấp, tối, nằm trong con hẻm ngắn đâm ngang một đường lớn của thị xã. Tr­ước sân có một ít cây lá. Bình hoa glaieul đỏ trên cái bàn thấp trong phòng khách. Một người đàn bà thò đầu ra từ cửa sau của  nhà bếp,l­ưỡng lự, cuối cùng bư­ớc ra với một vẻ mặt cố ý nghiêm trang. Tôi nhận ra ngay khuôn mặt đã được nghe mô tả, hoặc nhìn thấy  đâu đó trong một tạp chí, một bìa báo - Mái tóc dày, dài, phủ trước ngực , đôi mắt kẻ chì đen kéo dài hai bên đuôi , mí tô xanh. Rõ ràng là đôi mắt đã được khai thác trong rất nhiều tác phẩm của chính tác giả. Tôi cố tìm một cách tự giới thiệu giản dị :
- Tôi ở Sàigòn ra đây chơi, sẵn ghé thăm chị. Tôi chỉ Thụ, đây là nhà tôi, anh ấy công tác tại dây.
Nhà văn lớn nhìn tôi bằng đôi mắt đẹp của bà, lạnh lùng :
- Ở  Sài Gòn ai đã cho chị biết chỗ ở của tôi ? Không, không còn nhà văn nào cả, tôi đã khai tử tôi rồi.
 Giọng nói kịch, bóng bẩy. Thấy gay cấn, tôi khuyến khích :
- Chị sợ không ? Tự nhiên có người lạ mặt đến thăm, chị sợ không ?
-Sợ ? Tại sao lại sợ ? Tôi chỉ sợ tôi thôi.
 Đúng nhãn hiệu cầu chứng, không còn nghi ngờ gì nữa. Thái độ siêu hình, tự chối bỏ ,đồng thời tư duy về cái tôi. Thụ ngồi đối diện hai nhà văn  cười mỉm. Tôi định bỏ cuộc , dù đã đến đây với lòng thành.
-  Tôi ghé thăm chị, đơn giản vậy thôi. Nếu chị không thích, chúng tôi xin phép chào chị về.
Nhà văn lớn vẫn ngồi yên, không có  dấu hiệu tiễn đưa, tiếp tục :
- Từ hơn ba năm nay tôi không tiếp bất cứ một người  quen nào cả . Kể cả những lần về Sài Gòn. Ai đã chỉ cho chị chỗ  ở của tôi ? Anh đây làm việc ở cơ quan nào vậy ?
  Thụ làm bộ nghiêm trang : .
- Tôi công tác  ở Ủy Ban Thanh tra.
Tôi ngạc nhiên nhìnThụ, chưa hiểu. Nhà văn lớn mở to đôi mắt đẹp  .
- Ở Ủy  ban thanh tra à ? Sao tôi không được biết  anh nhỉ ?
Tôi không nhịn được cười , ngó Thụ.
 - Thụ, tại sao lại Ủy ban thanh tra ?
  Thụ châm chọc :
- Thấy câu chuyện giữa chị và nhà tôi trầm trọng, có chất trinh thám nên tôi nghĩ tốt hơn tôi nên...
Không nên đùa dai. Câu chuyện có thể còn tiếp tục với nhiều chi tiết hào hứng, với sự sẵn lòng ngấm ngầm của nhà văn lớn .Tôi đột ngột đứng dậy, bóng bẩy và kịch:
- Xin phép chị chúng tôi về - Nếu chị đã tự khai tử, cứ coi lần viếng thăm của chúng tôi như  một cuộc tảo mộ.
-  Phí lắm, tôi thấy rằng phí lắm. Thành thật tiếc cho anh chị.
  Thụ dẫn xe đạp ra cổng ngoài.Tôi t­ưởng mình dằn được một tràng cười  dòn sau lư­ng Thụ, khi nhà văn lớn chưa kịp khuất sau cánh cửa khép.
Vòng trở  lại biển, chiều đã sẫm. Tôi tự nhiên buồn rũ, hết muốn cựa quậy, Thụ đánh hơi thấy dấu hiệu không tốt, ngoái nhìn ra yên sau :
- Sao vậy ? Sao bỗng d­ưng tắt máy vậy ? Nói gì đi chứ , nhà văn?
- Một ngày quá sức. .
- Bị ám vì cuộc gặp gỡ vừa rồi chăng ?
  Thụ đ­ưa tay chỉ mấy chiếc ghế bố kê dư­ới gốc dừa ngoài bãi cát.
- Nhà văn lớn chắc chắn đã có ngồi đây tìm nguồn cảm hứng - Thụ nhẹ giọng -  em đang trầm trọng phải không ?
- Không, em nghĩ sống như bà cực quá. Lúc nào cũng phải tìm eho mình một thái độ.
- Không - có - thái – độ - nào - cả như  thái độ của anh, em cũng không chịu. Giới nhà văn  của em phức tạp lắm. Anh cưới em có lẽ là vì em đơn giản nhất trong số những người  anh biết.
Mấy ngày phép đã tiêu quá nửa.Thụ thực hiện đúng chương trình tham quan, đầy đủ như những bài thuyết trình của Thụ mà tôi nghe nhiều  lần.Nghĩa là một cuộc tham quan dồi dào về lư­ơng thực, thực phẩm (với giá  lý tưở­ng), những buổi gặp mặt (vừa phải) với những người bạn (có trình độ) của Thụ, nhà trẻ, mẫu giáo, trườ­ng học, nhà th­ương, đài truyền hình, Đại học Hải sản, Hòn Chồng…Mọi thứ, Thụ đã dồn cứng tôi trong ao ư­ớc của anh. Câu chuyện với nhà văn lớn dè nặng tôi nhưng đồng thời cũng mở ra eho tôi nhiều ngóc ngách mới lạ. Bắt đầu. Buổi sáng thức dậy chuẩn bị phần ăn trưa  trong lon guigoz, đưa con vào trường theo lộ trình có gánh xôi  góc đường  Huỳnh Văn Bảnh dù  con rất ớn xôi thiếu đườ­ng cát trắng. Phòng làm việc  dài thòn với 17 khuôn mặt quen thuộc, những con số thống kê tổng hợp . Bắt  đầu - Dư­ới sự lãnh đạo trực tiếp của Ban Giám Đốc, có sự quan tâm của Thành ủy và Ủy ban. Bắt đầu – Dựa trên năm mục tiêu cơ bản của ngành, triển khai phong trào năm dứt điểm... nào, bắt đầu...
Chiều đón con về nhà (mặt mũi lem luốc, chai nư­ớc không nắp,kẹp tóc mất). Tắm con, tắm mẹ, ăn cơm - Lãnh guốc về vẽ . Vẽ, vẽ, vẽ  . Con khóc, mẹ ngó con nè, mẹ đừng ngó chiếc guốc. Mẹ vẽ guốc kiếm tiền cho con ăn xôi. Không, con không ăn xôi. Vẽ, vẽ, vẽ - khói bay mịt. Trông em giống thợ điện không Thụ ? Cây bút nóng đỏ, dí liên tục trên guốc gỗ..
Và bắt đầu lại, một ngày nữa. Thỉnh thoảng một buổi họp mặt có nhạc nhẹ, đậu phong da cá, trà quốc doanh giữa các nhà trí thức yêu nước. Lại đánh giá tình hình chung, thông báo một vài trườ­ng hợp vượt biên tới nơi tới chốn, học hỏi kinh nghiệm những trường hợp thất bại... vân... vân... Đại khái một loại sinh hoạt có cá tính và chủ đề hẳn hoi. Một anh sẽ độc tấu Tây-ban-cầm, một chị sẽ hát nhạc Liên xô lời Việt với phần đệm dư­ơng cầm của một tay ngang nào đó (có thể là em, nghe Thụ). Vậy đó, có ồn ào lắm không ? Một sự hòa hợp không lấy gì làm nhịp nhàng giữa phòng Thống kê kế hoạch, những đôi guốc vẽ mù mịt khói  gỗ cháy và nhạc nhẹ của những nhà trí thức  yêu nước. Mệt thiệt.  Sắp hết những ngày nghỉ phép. Bắt đầu lại. Sự làm dáng trong văn chư­ơng giống như một sự nhăn mặt. Còn làm dáng trong đời sống ? Một sự dẫy chết.
Hai người đi bộ ra nhà ga lúc 3 giò sáng.Thụ  kéo tôi ra giữa đường  nhựa.Tiếng giày khua lớn qua những con phố còn im ngủ, tiếng chó sủa rộ, hơi thở mát tận trong ngực.
 - Về Sài Gòn ráng may cho anh vài cái quần xà-lỏn. Kẹt quá, em.
 - Nhà văn không có chức năng may quần xà-lỏn.
- Em vẫn tưởng em là cây bút trẻ đang lên và gặp anh trên đườ­ng đi xuống ?
Tôi giả giọng thảm thiết :
-  Không ! Không còn cây bút  nào  trong em nữa - Có chăng chỉ là  cây bút điện dí trên guốc gỗ.

 T.T.NGH.

Tagged

0 nhận xét