Open top menu
Thứ Tư, 23 tháng 4, 2014


                         (tiếp theo)

Những năm lên trung học, vì đứng đắn con người ra nên rất ít khi tôi lui tới rạp hát nếu trong túi không có tiền. Cảm thông với rất đông học sinh cùng cảnh ngộ, tôi đã bàn với anh Đặng văn Ngữ tổ chức chương trình "Chiếu bóng chiều thứ Bẩy", nghĩa là hằng tuần, cứ đến chiều thứ Bẩy là chúng tôi dự tính sẽ tổ chức chiếu một phim ở một rạp đàng hoàng, giá vé bán đồng hạng có 5 đồng, ai đến sớm thì ngồi ghế đệm gọi là hạng "phô tơi" (Fauteuil), ai đến trễ thì ngồi ghế gỗ.

Buổi tổ chức đầu tiên chúng tôi chọn một phim Ấn Độ có tên là Saudaagar, fille des Indes (cô gái Ấn, tên Saudaagar) bởi vì trước đó cả Hà Nội đã xôn xao rủ nhau nô nức đi coi một phim Ấn độ khác có tên là Mangala, fille des Indes. Chúng tôi nghĩ, Mangala đã được tiếp đón nồng hậu thì Saudaagar chắc cũng được cái âm hưởng dư thừa.

Trong vòng 2 tuần lễ, anh Ngữ và tôi đã đôn đáo chạy đi thuê phim, mướn rạp, in vé, vẽ áp phích quảng cáo và đi đến đâu chúng tôi cũng được ủng hộ nồng nhiệt tới đó. Chúng tôi dự tính mỗi kỳ bán ít lắm cũng được 600 vé để thu về 3.000 đồng. Chi ra 2.500 đồng thuê phim, thuê rạp, 500 đồng in vé, in chương trình và chi phí linh tinh. Coi như huề vốn, hoặc giả có lời hay có lỗ thì tuần nọ bù tuần kia, chúng tôi vẫn có khả năng duy trì chương trình "chiếu bóng chiều thứ Bẩy" cho anh em học sinh các trường đi coi giải trí với giá bình dân.

Nhưng chúng tôi đã không lường trước một trở ngại lớn lao mà sau này, hai đứa suýt bị khốn đốn. Đó là cái vụ phải đóng Thuế Hí Cuộc !

Vốn là những tay mơ, lại tưởng mình chỉ làm việc xã hội chớ có buôn bán gì đâu mà phải tính tới chuyện thuế má. Nào ngờ khi làm đơn xin phép trình chiếu ở rạp Đại Đồng phố hàng Cót thì Tòa Thị Chính cho biết các vé trước khi bán ra phải đem lại cho Sở Thuế "đục lỗ kiểm soát"  để sau này căn cứ vào số vé bán ra, ban tổ chức phải nạp Thuế Hí Cuộc.

Thế là tôi và Ngữ ngã ngửa người ra vì cái tin động trời này ! Nhưng chương trình đã công bố rồi, nếu cứ tiếp tục tổ chức thì sẽ phải lỗ đứt đuôi vài trăm bạc Thuế. Mà rút lại không tổ chức nữa thì tiền in vé, in chương trình, tiền đặt cọc cho chủ rạp mà Ngữ đã xin ông bà cụ thân sinh ứng trước, tất cả cũng đều sẽ tiêu tùng ra mây khói. Thật đúng là chúng tôi đã bị du vào cái thế tiến thoái lưỡng nan, chót ngồi lên lưng cọp !

Cuối cùng, tôi và Ngữ bàn nhau chỉ còn có nước đi gặp ông Chánh Sự Vụ Sở Thuế để năn nỉ xin "đại xá" cho một lần.

Ối chà ! Đấy là lần đầu tiên trong cuộc đời, tôi phải ra trước “cửa công”. Tuổi sấp sỉ 16, thân hình lại gầy nhom gầy nhóc, trông tôi chỉ như cậu bé mười ba, mười bốn. Còn Ngữ tuy mập và to con hơn, nhưng cũng chẳng già dặn được bao nhiêu. Nhìn chung, "phái đoàn" của chúng tôi thật chẳng có một kí lô gì so với tòa nhà to sừng sững ở ngay phố Bờ Hồ có những phòng ốc chật ních những nhân viên. Nhất là có ông Chánh Sự Vụ bệ vệ mà tôi còn nhớ hình ảnh của ông như in trong đầu.

Thân hình ông mập mạp, nước da trắng bóc điểm những nốt chấm hồng hồng, trán hơi hói đã điểm thưa những sợi tóc bạc, còn những ngón tay của ông thì vừa ngắn vừa to múp míp. Ông ta thuộc loại người vừa khó tính vừa hách dịch, lại xui cho chúng tôi hơn nữa là đã đi gặp ông vào cái hôm mà ông ta đang bị nhức đầu xổ mũi. Trong suốt buổi gặp hôm ấy ông hắt hơi luôn luôn, ống thuốc long não để ngửi không ngớt được ông đưa lên hít hà khiến cho hai cánh mũi của ông như phồng to lên và đỏ ửng như quả cà chua.

Thời tiết ấy, bệnh trạng ấy, lại phải lằng nhằng với mấy tên con nít không biết "luật pháp" dưới quyền ông là gì, thì hỏi làm sao mà ông không cau có, gắt gỏng, một đôi khi ông còn quát to khiến tôi xanh cả mặt lên nữa.

Kết quả lần "du thuyết" đó, chúng tôi thất bại hoàn toàn. Chúng tôi không xin được miễn Thuế Hí Cuộc. Chúng tôi phải đem vé đến đục lỗ trước khi bán ra trong khi ngày trình chiếu cuốn phim ca vũ nhạc Ấn Độ Saudaagar, Fille des Indes đã gần kề.

Cuối cùng, chúng tôi phải đem đầu đến nạp thầy Hiệu Trưởng Nguyễn văn Mùi để biện bạch và xin cầu cứu. Thầy Mùi nhận lời cứu vớt chúng tôi một nửa, nghĩa là xin giảm cho 50%. Đó là mức tối đa thầy có thể làm được. Nhưng chúng tôi đành phải chấp nhận và xúc tiến tổ chức để khỏi lỡ hẹn với bà con, cô bác. Nhưng sau lần đó, chúng tôi thề "cạch" tới già không tổ chức chiếu bóng, chiếu bung gì nữa hết. Thế là chương trình "Ciné các chiều thứ Bẩy" của chúng tôi tan theo mây khói.


CHƯƠNG CUỐI

Cũng như sinh hoạt văn nghệ bây giờ, hồi trước hằng năm cứ vào dịp gần Tết là bọn chúng tôi nô nức với bầu không khí sửa soạn viết bài cho các báo Xuân. Đối với các cây bút có tên tuổi thì viết xong bài nào là có chỗ tiêu thụ ngay bài ấy. Đó là chưa kể một số cây bút đã được tòa soạn giành xin bài từ trước, có khi lại đưa trước cả tiền nhận bút.
Được các tác giả nổi tiếng đóng góp bài vở, tờ báo sẽ thêm uy tín khiến cho số báo có thể bán chạy hơn, đặc biệt là những số báo Xuân. Mà khi nhận được lời mời, nhiều tác giả còn cân nhắc xem tuy tín của tờ báo đến đâu, có là loại báo đứng đắn, chuyên nghiệp không, hay chỉ làng nhàng, thậm chí còn bị mang tiếng là báo lá cải. Câu tục ngữ "chọn mặt gửi vàng" xem ra cũng đúng trong những trường hợp này, mặc dù dưới mắt bọn lau nhau chúng tôi thì  một sáng tác giá trị của một tác giả đã thành danh xét ra còn quí hơn…vàng !
Bọn chúng tôi thì chưa đạt được tới mức thượng thừa như vậy, nên muốn chen chân tìm được đất đứng trong một tờ báo Xuân sẽ buộc lòng phải viết tưới hột sen, và dòm chừng tờ nào tương đối dễ chen vô là gửi bài về tới tấp. Hoàn cảnh của chúng tôi cũng chẳng khác gì những kẻ đi săn tài tử chỉ xài toàn đạn ghém. Cứ bắn đại đi, khỏi cần nhắm kỹ, chắc chắn trong cả trăm viên chì phóng ra cũng sẽ có viên dính được con mồi.
Được cái ở Hà Nội vào dịp giáp Tết, bầu không khí  tuy lạnh lẽo nhưng lại là cái lạnh lẽo dễ tìm chỗ ấm cúng để tụ tập và gây cảm hứng sáng tác. Mỗi buổi tối sau khi cơm nước xong, cả lũ đều bận áo ấm để tìm tới nhà nhau. Hôm nào "suông" (hết tiền) thì ngồi nhà tán chuyện gẫu, còn hôm nào "rích kê" (có tiền) thì kéo nhau đi cà phê Nhân hay cà phê Giảng ở đầu phố Cầu Gỗ gần Bờ Hồ để thưởng thức hương vị cà phê tuyệt hảo với khói thuốc bay thơm lừng trong bầu không khí mùa đông, gió thổi lạnh lẽo trên mặt hồ.
Cà phê, một phin hết bốn đồng. Thuốc lá lẻ cứ hai đồng thì ba điếu. Ngồi trong tiệm, mỗi đứa ngậm một điếu (cho khỏi mất mặt bầu cua), nhưng trên đường về thì chỉ truyền nhau hút chung một điếu cho đỡ hao hụt. Đến lúc chia tay, trong túi mỗi đứa cũng còn được đôi ba điếu để lận lưng chờ đêm đem ra đốt lúc ngồi sáng tác. Sáng tác vào ban đêm hầu như là thói quen của nhiều người, vì đó là lúc yên tĩnh nhất. Công việc thường xuyên trong ngày cũng đã chấm dứt, chỉ còn một mình đối diện với trang giấy trắng muốt sẵn sàng đón chờ nguồn cảm hứng sắp tuôn trào.
Tôi đã cài kỹ cửa lớn, cửa nhỏ lại cho gió đông khỏi ùa vào phòng. Rồi bật đèn sáng, ngọn đèn đã được bao che bằng một xấp giấy báo để khỏi làm sáng choang cả nhà. Rồi chùm chăn bông lên tận cổ, vừa ngồi xổm trên giường hút thuốc phì phèo vừa kê tờ giấy lên mép bàn đã kê sát để cắm cổ viết. Trời thì mùa đông đấy nhưng ý Xuân lại tuôn ra ào ào ngậu sị cả lên : nào khai bút, nào xuất hành, nào Chúa Xuân, hoa Xuân, bướm Xuân, vườn Xuân ….cái gì cũng cố gài tiếng "Xuân" vào cho hợp tình, hợp cảnh.  Lại vì lâu lâu mới đi tiệm một lần nên bị cà phê nó hành cho trắng mắt, thức đến bốn, năm giờ sáng mà vẫn còn tỉnh như sáo sậu. 
Sau một đêm như thế, tôi có thể đã hoàn tất một bài tùy bút,  một bài thơ, hay có khi là một truyện ngắn hay một vở hài kịch. Thật bây giờ nghĩ lại cái khả năng viết mau, viết mạnh của hồi xưa mà bắt thèm.
Mỗi lần viết xong, hôm sau thế nào chúng tôi cũng chạy đi tìm nhau để khoe sáng tác của mình. Nhiều khi móc túi chẳng ai còn đồng cắc nào, đành lại đốt chung một điếu thuốc tới khi "rít" đến tận cùng, mẩu thuốc vứt đi chỉ còn chưa quá nửa phân. 
Lại cũng có nhiều hôm "vốn liếng" bết bát quá, mà mua chịu của quầy thuốc lá lẻ cũng không xong vì sổ nợ cũng khá cao rồi (đến nỗi khi đi qua, phải lảng tuốt qua bên kia hè phố để tránh mặt, chờ khi có tiền thanh toán). Những hôm đó bọn tôi chỉ còn cách chui xuống gầm bàn kiếm những đầu thừa vương vãi đâu đó đem đốt lại. Ấy vậy mà cũng có lần có đứa phải phàn nàn:
 - Các cậu khai thác kỹ quá, chẳng còn mẩu nào "ra hồn" cả !
Mặt ai nấy đều buồn hiu ! Tuy nhiên, nhớ lại cái thời như thế tôi lại thấy sao mà quý thế. Nó quá tươi đẹp, nó in dấu cả một thời đã sống hồn nhiên, trong sáng, đầy ắp những kỷ niệm đáng nhớ của cái tuổi hoa niên đã qua đi, không bao giờ còn trở lại.
Chắc tới đây hẳn có bạn đọc thắc mắc là viết bài như thế, báo đăng như thế, thì tiền nhuận bút để đâu, không lấy mà xài ?
Tôi xin thưa ngay rằng trong suốt quãng đời "mơ làm văn sĩ" của tôi¸bài đăng cũng đã nhiều, ra vô các tòa báo cũng đã lắm, giấy bản thảo đã xé từ không biết cơ man nào là tập vở, vậy mà tôi không được tòa báo nào chi trả cho một đồng bạc cắc.
Thật ra, vấn đề này cũng đã được bọn chúng tôi đem ra bàn cãi om sòm. Một phe chủ trương bài đã đăng thì phải là bài có giá trị. Mà có giá trị thì phải trả tiền là đúng đứt đuôi đi rồi. Nhưng phe khác lại chủ  trương "văn nghệ là cao quý", xía vô vấn đề tiền bạc nó làm cho mất vẻ thanh tao của con nhà văn nghệ đi. Thật ra đây chỉ là lập luận để che giấu một sự thật phũ phàng mà không ai dám đương đầu, đó là sự nếu cứ nằng nặc đòi tiền nhuận bút, tòa báo sẽ lẳng lặng xếp tác phẩm của mình vào hồ sơ: "Bài Loại". 

Bài mà bị loại thì mất cả chì lẫn chài !!
Thế rồi cuộc tranh luận rút cục chẳng đi đến đâu. Phe hăng hái thì cũng chẳng anh nào có gan ghi ở góc bản thảo mấy chữ "Có lấy tiền nhuận bút". Mà thế vẫn còn "oách" hơn cái thời còn phải ghi mấy chữ " Bài gửi đăng không lấy nhuận bút" nữa kìa.

                                        (còn tiếp)

0 nhận xét