Open top menu
Thứ Ba, 31 tháng 12, 2013



                                   (tiếp theo)

Tuy không đưa ra những tác phẩm trực tiếp đóng góp vào phong trào văn nghệ đổi mới, nhưng ở cương vị Tổng Biên tập của tờ Văn Nghệ, nhà văn Nguyên Ngọc quả đã có công rất lớn trong nhiệm vụ làm đòn bẩy cho những tác phẩm đổi mới có cơ hội bùng lên. Chính vì sự đóng góp lớn lao này mà Nguyên Ngọc bị cất chức một cách mờ ám vào ngày 2-12-1988. Phóng -viên của tờ Tuổi Trẻ ở Hà Nội ngày 4-12-88 đã có dịp gặp nhà văn và nêu câu hỏi:
- Lúc này anh đã thôi là Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ?
Trả lời:
- Chính tôi cũng không xác định được lúc này tôi là gì. Về công việc, tôi không còn là Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ nữa. Cách đây 40 giờ, trong buổi họp đột xuất của toà soạn báo Văn Nghệ do ban Thư Ký Hội Nhà Văn triệu tập, đồng chí Chính Hữu, Phó Tổng thư ký Hội Nhà Văn Việt Nam đã đọc quyết định cho tôi “thôi giữ chức” Tổng Biên Tập báo Văn Nghệ để nhận công tác khác, và cho biết quyết định ấy có hiệu lực ngay sau khi đọc, tức là khoảng 18 giờ ngày thứ sáu 2 tháng 12-1988. Kể từ sáng hôm qua, mồng 3 tháng 12, đồng chí Hoàng Minh Châu, phó Tổng Biên Tập thứ nhất được chỉ định điều hành tờ báo. Nhưng cho tới lúc này, 40 giờ sau khi nghe đọc quyết định, tôi vẫn chưa có trong tay cái văn bản pháp lý mà tôi có trách nhiệm thi hành.
Có lẽ chẳng bao giờ Nguyên Ngọc có được cái văn bản pháp lý ấy. Bởi vì chiều 15 tháng 4 - 1989, trong dịp đến Huế hai ngày, nhà văn Nguyên Ngọc đã được Hội Văn học Nghệ thuật Bình Trị Thiên, ngoài sự tham dự của các hội viên còn có các cán bộ giảng dạy đại học, và sinh viên, các thầy cô giáo dạy văn và học sinh, các sĩ quan hưu trí của Câu lạc Bộ Phú Xuân, các phóng viên đài và báo tiếp đón trọng thể và nồng nhiệt. Trong cuộc gặp gỡ này, nhà văn Nguyên Ngọc đã thổ lộ:
- Tôi chấp hành quyết định của Ban Thư  Ký để các anh ấy khỏi nghi tôi muốn bám lấy cái ghế này. Nhưng các anh ấy còn nợ tôi một cái quyết định hợp thức của Ban Tuyên Huấn Trung Ương và Bộ Thông Tin và lý do tại sao đình chỉ công tác Tổng Biên Tập của tôi. Từ đó đến nay, họ vẫn im lặng.
Cũng trong dịp này, nhân có người đề cập đến sự phân hoá trong toà soạn báo Văn Nghệ về thái độ và sự ra đi của nhà văn Nguyên Ngọc, Nguyên Ngọc đã bùi ngùi kết luận:
- Đọc Pasternak tôi thấy bi kịch Zhivago vẫn là của một người đứng ngoài, đứng trên cả nước Nga mà đau. Còn bi kịch của tôi: một người trong cuộc, đảng viên, cầm súng, nhiệt thành xây dựng chủ nghĩa Xã Hội mấy mươi năm. Thế mà tại sao Tình yêu của chính mình lại bị giày đạp đến như vậy?
Câu hỏi tự đặt ra như vậy, có lẽ không phải vì chính Nguyên Ngọc không tìm thấy câu trả lời mà ông đã nêu ra như một sự thú nhận. Phải chăng người Đảng viên, người cầm súng, người nhiệt thành với chủ nghĩa xã hội mấy mươi năm, nay trước thực trạng bi thảm của quê hương, đất nước, bỗng vụt nhận ra rằng Đảng ấy, chủ nghĩa ấy, đã chẳng phải là những giải pháp lý tưởng đem lại cho con người nguồn hạnh phúc và đời sống ấm no đúng như sự mơ ước của nhiều người.
Nhìn ra được sự thực đó, sau bao nhiêu năm đóng góp với lòng nhiệt tình và đầy hào khí, quả là một bi kịch không chỉ của riêng nhà văn Nguyên Ngọc mà hẳn còn là của nhiều đảng viên và các tầng lớp cán bộ khác.
Phải chăng, chính điều này đã tạo nên một loại tâm thức mới trong hàng ngũ trí thức và văn nghệ sĩ ở quê nhà vốn đã quá chán chường, mệt mỏi với những sự giả trá, khuôn phép một chiều thường vẫn là cái khung ngục tù giam hãm tư tưởng tự do và cảm hứng sáng tạo của người cầm bút. Dựa vào biện pháp cởi mở của nhà nước như một cơ hội cánh cửa ngục tù vừa mới hé ra, văn nghệ sĩ ở trong nước đã mau chóng tìm được lối thoát cho con đường sáng tác hiện đang bế tắc của mình: tự giải phóng ra khỏi khuôn phép văn chương tô hồng hay văn chương phải đạo, trực diện với đời sống của quần chúng để lôi ra ánh sáng cái thực tế thảm thương đã từng bị chính giới cầm bút che đậy, giấu giếm bằng cách tô son vẽ phấn bưng bít từ hàng chục năm qua, và hơn tất cả, đó là sự tìm lại được cái giá trị đích thực, cái nhân cách đích thực, cái dũng cảm đích thực mà văn nghệ sĩ đã từng bị tước đoạt hay vì hèn nhát mà tự mình tước đoạt trong sinh hoạt sáng tác nhiều năm trước đây.
Giới cầm bút trong cao trào văn nghệ phản kháng ở quê nhà, chỉ trong thời gian vỏn vẹn không đầy 3 năm (1987 đến 1989) đã mau chóng lấy lại được lòng tin cậy của người đọc, và thậm chí đã trở thành ngọn đuốc sáng rỡ soi rọi tới được những hoàn cảnh tối tăm, cơ cực của quần chúng, đã trở thành cái phao của quần chúng trong khi họ đang chết đuối giữa sức ép của dòng đời đầy rẫy bất công, thối nát và áp bức.
Hầu hết những tác phẩm quan trọng trong cao trào văn nghệ phản kháng đều đã xuất hiện trên tờ Văn Nghệ do nhà văn Nguyên Ngọc chủ trương. Chỉ riêng một sự kiện Hội Nhà Báo Việt Nam ra quyết định khen thưởng ba phóng sự đăng trên báo Văn nghệ (Gồm:  Lời khai của bị can của Trần Huy Quang, Tiếng Hú của con tầu của Nguyễn thị Vân Anh, Anh hùng khi đã sa cơ của Hoàng Minh Tường) đã đủ chứng minh sự đóng góp lớn lao của tờ Văn Nghệ trong cao trào này. Và thật là điều dễ hiểu khi người ta thấy mọi giới, bao gồm cả nhà văn, nhà báo và độc giả quần chúng đều tỏ ra vô cùng phẫn nộ khi được tin tờ Văn Nghệ gặp khó khăn (tháng 9-1988, Ban chấp hành Hội Nhà văn Việt Nam ra nghị quyết lên án tờ Văn Nghệ là có những lệch lạc nghiêm trọng, và tháng 12-1988, Ban Thư ký của Hội này cách chức Tổng Biên Tập Nguyên Ngọc và thuyên chuyển công tác).
Ngay từ giữa tháng 9-1988, gần một trăm nhà sáng tác trẻ đã hội họp ở Hà Nội để phản đối nghị quyết lên án tờ Văn Nghệ. Sau đó là 12 nhà văn ở thành phố Hồ Chí Minh, các nhà văn, nhà báo ở Lâm Đồng, Phú Khánh, Nghĩa Bình, tờ Sông Hương ở Huế, và đặc biệt là Hội Nghị  hội Nhà Báo Việt Nam lần thứ 5 tại Hà Nội họp từ 28-11, đến 1-12-1988, tất cả đều có ý hướng dứt khoát ủng hộ tờ Văn Nghệ đồng thời phản đối việc làm của Ban Chấp hành Hội Nhà văn. Đặc biệt, nhà văn Bùi Minh Quốc, trưởng phân Hội Văn nghệ Lâm Đồng đã vận động lấy được hơn 100 chữ ký của các nhà văn ủng hộ Nguyên Ngọc. Sau đây là một vài ý kiến phát biểu trong vụ Nguyên Ngọc bị cách chức :
- Nhà văn Mai Văn Tạo: Biết tin báo Văn Nghệ “lâm nạn”, Tổng Biên tập bị “hành”, công chúng miền Nam, độc giả thành phố Hồ Chí Minh, tỏ vẻ bất bình, lo ngại như thể bạn mình gặp cảnh khốn nguy. Nhiều người gặp tôi, họ lo lắng hỏi “Văn Nghệ thế nào rồi? Sao kỳ vậy?”. Những người ấy không chỉ là cán bộ, công nhân viên, người có học vấn cao, mà cả những ông thợ cắt tóc , các bác đạp xích lô... từng yêu mến tờ báo. Tuần báo Văn nghệ từ cuối năm 87 đến nay không còn là tờ báo riêng của giới phong lưu và những nhà học giả. Nó còn là món ăn bổ ích và thú vị cho các loại độc giả phía Nam này. Lẽ nào Ban thư ký Hội Nhà văn không thấy ra điều đó?
- Nhà văn Nguyễn Quang Sáng: Qua việc này, tôi thấy so với các ngành nghề khác thì anh nhà văn, nhà báo nói riêng và văn nghệ sĩ nói chung, đối với những người đang thực sự làm việc thì bị cách chức quá dễ dàng. Từ đó mà nghĩ đến thân phận của giới này, nói rõ hơn là đối với những người thực sự làm việc của giới văn nghệ sĩ.
- Nhà thơ Diệp Minh Tuyền : Tổng Biên Tập đổi mới này mất đi, sẽ có Tổng biên tập  đổi mới khác xuất hiện hoặc thay thế.
**
Dư luận phản đối ồn ào và mạnh mẽ như vậy, nhưng việc cách chức Tổng biên tập của Nguyên Ngọc vẫn được thi hành. Sự kiện này đã cho ta thấy 2 điều:
- Một là: Giới lãnh đạo đã thực sự run sợ trước cao trào đổi mới, trong đó ngày càng lôi cuốn được nhiều cây bút có giá trị với những tác phẩm có giá trị, được sự ủng hộ của đông đảo quần chúng độc giả.
- Hai là: Biện pháp cứng dắn áp dụng với Nguyên Ngọc đã mở ra một cuộc đấu tranh gay gắt giữa hai phe trong giới cầm bút: phe bảo thủ, tiếp tục chấp nhận đường lối lãnh đạo văn nghệ do Đảng đề ra và phe đổi mới, đòi hỏi người cầm bút phải có tự do sáng tạo.
Tại Đại Hội Nhà Văn Việt Nam họp từ 23 đến 31-10-1988 tại Hà Nội, cuộc đấu tranh giữa hai phe đã diễn ra rất gay gắt và độc giả có cơ hội được biết đến qua các bài tường thuật của báo chí, đài phát thanh. Bản tin tức tổng hợp từ tin tức các báo, đài, và tự thuật của các nhà văn Thu Bồn, Nguyễn Đắc Xuân, Phan Vũ ngày 9-12-89 tại Câu lạc bộ những người kháng chiến cũ đã viết : “Suốt thời gian đại hội, đã diễn ra cuộc đấu tranh quyết liệt giữa hai lực lượng nhà văn: bảo thủ và tiến bộ, và sự phản đối mạnh mẽ có hiệu quả của lực lượng nhà văn tiến bộ đối với mọi sự áp đặt phản dân chủ, thậm chí cả sự chụp mũ .”
Nhìn chung kết quả của Đại Hội, phe bảo thủ đã thất bại nhiều điều:
1/ Lập sẵn một danh sách Ban Chấp Hành gồm 30 người định vận động thông qua nhưng bị bác bỏ.
2/ Dự định không để Đại Hội bầu chức Tổng Thư Ký mà để cho Ban chấp hành tự bầu ra. Kết quả, đại hội cũng bác bỏ và chức vụ này cũng do Đại Hội bầu trực tiếp.
3/ Ba nhân vật bị phe bảo thủ dưới sự chỉ đạo ở trên mong muốn loại ra (Nguyễn Quang Sáng, Xuân Cang, Nguyên Ngọc) nhưng đã đắc cử với số phiếu cao nhất.
4/ Ba nhân vật được phe bảo thủ ủng hộ và sự chỉ đạo ở trên cố ý đưa vào ban chấp hành đều bị rớt đài (Anh Đức, Trần Bạch Đằng, Bằng Việt).
Trong khi đó, phe tiến bộ ngoài việc ngăn chặn những mưu đồ đen tối trong đại hội, còn nêu lên được những tiếng nói dõng dạc, thể hiện quyết tâm đi tới của những người cầm bút can đảm:
1/ Một nữ thi sĩ trẻ ở Huế yêu cầu Đại Hội làm sáng tỏ vụ nhà văn Bùi Minh Quốc, trưởng phân hội Văn Nghệ Lâm Đồng bị khai trừ khỏi đảng vì “tội” đã vận động lấy hơn 100 chữ ký của các nhà văn để ủng hộ Nguyên Ngọc.
2/ Một nhà văn trẻ yêu cầu Trần Trọng Tân, trưởng Ban Văn Hoá - Tư Tưởng Trung ương Đảng phải kiểm thảo vì đã để xẩy ra những vụ đàn áp như ở trên cùng các vụ khác nữa nhưng làm ngơ.
3/ Các nhà văn Thu Bồn, Bửu Tiến, Bùi Minh Quốc, và nhất là Dương Thu Hương đã đọc những bài tham luận nẩy lửa, được đại hội đánh giá là “sâu sắc nhiệt huyết và cảm động”
4/ Tạp chí Sông Hương (Huế) bị kết 8 tội và bị đóng cửa, qua Đại Hội, đã kể như không có tội nào và đang làm thủ tục tái xuất bản.
51 Nhà văn Nguyên Ngọc bị cách chức, nay trở thành một trong ba nhà văn tiến bộ được đắc cử cao phiếu nhất và ở vào vị trí trực tiếp lãnh đạo của Hội Nhà Văn Việt Nam.
Tuy nhiên, Bản Tin Tức dù lạc quan đến đâu, cũng vẫn phải kết luận:
“Lực lượng nhà văn đổi mới, tiến bộ đã thắng lợi bước đầu. Cuộc đấu tranh cho đổi mới còn đang tiếp tục tiến lên trên con đường đầy chông gai “
Con đường chông gai ấy, dĩ nhiên có nhiều trở lực xuất phát từ giới lãnh đạo bảo thủ, trì trệ, chỉ nhìn thấy quyền lực mà không thấy sự khát vọng lớn lao của tuyệt đại đa số quần chúng, nhưng trở lực trước hết phải kể đến chính cá nhân của mỗi con người trong giới cầm bút. Họ phải biết cảm thông sâu sắc với quần chúng, phải biết đứng về phía quần chúng để tự lột xác chính mình. Trong thời gian gần đây, đời sống quanh ta đã có biết bao nhiêu là đổi thay mãnh liệt. Người cầm bút phải tự bước ra khỏi cái ốc đảo của mỗi người để hoà nhập vào đời sống đang chuyển mình. Bởi chỉ ở vị trí mới đó, người cầm bút mới có thể hoàn thành được chức năng của mình. Phải chăng, cũng chính vì chia xẻ với nhận thức này, mà trong “ Cuộc trò chuyện cuối năm với Quốc Dũng và Bế Kiến Quốc” được đăng tải trên tờ Văn Nghệ (Tổng biên tập hiện thời là Hữu Thỉnh)  số Tết Canh Ngọ ra ngày 13-1-1990, nhà văn Nguyên Ngọc đã thổ lộ:
“Những năm gần đây, tôi thấy viết càng khó hơn. Lần này thì có lẽ không phải chỉ vì “tính trời”; tôi thấy cần tìm cho mình một tiếng nói khác, một ngôn ngữ nghệ thuật khác. Quanh tôi, và trong tôi đã có biết bao thay đổi không nhỏ, không giản đơn. Phải viết khác. Mà đối với người cầm bút đã có nghề đôi chút, thì có lẽ không có gì khó hơn là viết được khác đi. Đó là “thay máu” như anh Nguyễn Minh Châu từng nói.”
Quả là quanh con người và trong con người của mỗi nhà văn đã có biết bao nhiêu thay đổi không nhỏ, không đơn giản. Khát vọng về một đời sống tốt đẹp hơn, về một sinh hoạt xã hội có đầy đủ tự do dân chủ đã như một cao trào không thể ngăn cản được của con người đang chuẩn bị bước vào một thế kỷ mới. Nhà văn Việt Nam, hay giới cầm bút nói chung, dù ở bất cứ nơi nào trên mọi phần đất thế giới không thể không nhìn thấy khuynh hướng đó và không thể không “thay máu” để chia xẻ nhịp tim đập chan hoà niềm tin mới về một vận hội mới của tương lai dân tộc. Niềm tin đó, không chỉ là mối ấp ủ riêng tư của Nguyên Ngọc hay những nhà văn, nhà thơ trong phong trào văn chương đổi mới ở quê nhà, mà hẳn còn là những ước mơ của toàn thể người Việt Namvẫn từng thiết tha đến tiền đồ của dân tộc.
                                                                                                                                                                                              Santa Ana, tháng 4 năm 1990.                                                                        
NHẬT TIẾN
(TRĂM HOA VẪN NỞ TRÊN QUÊ HƯƠNG, trang 118-126,
                                                nxb LÊ TRẦN, California-1990)


                                                          (còn tiếp)

0 nhận xét