Open top menu
Thứ Tư, 25 tháng 12, 2013

                                         (tiếp theo)

       

Ong hoạ sĩ già quát lên :
“ Vậy thì trẻ già lớn bé, trí thức, thợ thuyền, nhà nông …tất cả biến hết thành những con cừu à ? Tất cả ngậm miệng hết để cộng sản muốn làm gì làm à ?”
Cô hoạ sĩ Ban Mai cười cười :
“ Vậy bác muốn mọi người làm gì ? Nổi lên chống nhà nước cộng sản à ? Còn lâu nhé. Ở ngoài này các bác mới nghĩ tới chuyện đó , còn  trong nước ai dám nghĩ tới chuyện tầy đình ấy ? Họ chỉ nghĩ đến làm ăn sinh sống miễn sao gia đình sung túc, đầy đủ, chẳng ai dại gì chống đdảng chống nhà nước, chẳng được cái gì mà lại tù tội, tan cửa nát nhà…”
Ong hoạ sĩ nổi cáu :
“ Dân thường cam chịu đã đành. Thế còn cô ? Cô là hoạ sĩ trẻ, cô không đấu tranh đòi quyền tự do sáng tác à ?”
Cô hoạ sĩ trẻ lắc đầu :
“ Tôi vẫn tự do sáng tác đấy chứ, tôi có bị cấm đoán gì đâu…tôi vẽ tranh trừu tượng mà…tôi có vẽ cái gì bôi xấu chế độ đâu…nếu cứ vẽ trừu tượng thì vẽ thoải mái, muốn vẽ sao vẽ chẳng có ai cấm đoán mình…”
 Tình hình có vẻ căng thẳng, bà chủ gallery vội nhảy vào dàn hoà :
“ Thôi thôi…mình dẹp ba cái chuyện chính trị ấy đi…nhức đầu…giờ mời hai bạn và bác đây vào coi tác phẩm của cô hoạ sĩ đây mới mang từ Hà Nội sang…”
Bác Ba Phi líu ríu theo chân mọi người vào buồng trong. Í mèn ôi, trong một căn phòng rộng, đèn sáng choang, trên tường treo một loạt tranh khổ lớn tất cả đều là của cô hoạ sĩ Ban Mai . Bác Ba Phi trợn tròn cả mắt cũng chỉ thấy tranh vẽ toàn những hình loằng ngoằng, mầu sắc xanh đỏ tím vàng loạn xạ, ấy vậy mà cô hoạ sĩ giới thiệu này là bức “ Mưa xuân”, bức “ Nỗi nhớ”, bức “ Trừu tượng đông”, bức “Hà nội gió”…Oi chết chết , vẽ như vậy mà gọi là tranh ấy ư ? Chẳng hạn như bức “ Trừu tượng phố”, bác cứ đứng giương mắt lên coi cũng chẳng thấy phố xá đâu, chỉ thấy những ô vuông, ô tròn , những hình tua rua, những vệt khói…Ong hoạ sĩ nhìn vẻ mặt cứ nghệt ra của bác Ba Phi, bật cười :
“ Sao ? Bác thấy sao ? Tranh đẹp không ?”
Bác Ba Phi lắc quày quạy :
“ Chịu…chịu…tôi không hiểu cô này vẽ cái gì nữa …”
Bà chủ gallery bật cười :
“ Vậy mới nói là tranh trừu tượng mà…”
Ong hoạ sĩ gật gật :
“ Cô vẽ được đấy…trừu tượng vốn là của phương Tây nhưng cô vẽ được với tâm hồn Việt Nam.Trong tranh người ta thấy được sự hài hoà giữa dịu dàng và cuồng nhiệt, bùng nổ và trầm lặng, hạnh phúc và khổ đau…tôi thích bức “Trừu tượng phố”, nó dồn nén nhiều khát vọng chưa đạt tới, nhiều dục vọng bị dồn nén…”
Bác Ba Phi cứ há hốc cả miệng ra nghe ông hoạ sĩ già khen ngợi các bức tranh của cô hoạ sĩ trẻ. Bác lấy làm lạ không hiểu sao cái cô Ban Mai từ Hà Nội sang này vẽ vời nhăng nhít vậy lại được ông hoạ sĩ Việt kiều khen rối rít. Cứ coi tranh cô thì cứ trợn ngược cả mắt lên cũng chẳng hiểu cô vẽ cái gì ? Vẽ ngược vẽ xuôi vậy bố ai hiểu ? Mà vẽ thế này thì đến một cái lông chân của đảng nhà nước cũng chẳng đụng tới, tha hồ vẽ thoải mái, trách gì cô chẳng tự do vẽ, chẳng ai động tới. Nhưng vẽ vậy để làm gì ? Bác buột miệng kêu lên :
“ Cô vẽ vầy ai mà coi được ?”
Cô hoạ sĩ đang được  ông hoạ sĩ già khen ngợi nở nang cả mặt mày bị bác Ba Phi choang cho một câu, đỏ mặt tía tai, cao giọng :
“ Tôi chỉ vẽ cho những người hiểu biết. Còn không thì thôi, đừng có coi tranh của tôi…”
Bác Ba Phi nóng mắt :
“ Cô nói vậy đâu có được. Cô phải vẽ sao cho bất kỳ ai cũng coi được chứ ?”
Ong hoạ sĩ già cười cười :
“ Tự do sáng tác mà bác. Ai muốn vẽ gì vẽ….vẽ  mọi người coi cũng được , vẽ một số  người am hiểu thưởng thức cũng không sao . Vậy mới gọi là tự do chớ…Chỉ có điều vẽ thế này chắc chắn nhà cầm quyền cộng sản khuyến khích vì nó chẳng ảnh hưởng gì tới cái ghế của họ. Vẽ thế này tha hồ vẽ chẳng sợ cấm đoán, bắt bớ, trù dập gì hết…”
Bác Ba Phi quay sang cô hoạ sĩ :
“ Vậy cô chỉ vẽ ma thôi à ? Có vẽ cảnh thật, người thật không ?”
Cô hoạ sĩ cau mày :
“ Tôi vẽ trừu tượng chứ không vẽ ma. “
Bác Ba Phi lại hỏi :
“ Vậy có có vẽ người nông dân kéo nhau đi khiếu kiện đòi ruộng đất, vẽ người công nhân đình công đòi tăng lương không ?”
Cô hoạ sĩ lắc đầu quày quạy :
“ Không đời nào…không đời nào tôi vẽ những cái đó. Vẽ thế có mà vỡ nồi cơm…”
Bác Ba Phi đắc ý :
“ Cô còn trẻ vậy mà thua cả ông hoạ sĩ già này. Ong già vậy mà còn dám vẽ cảnh người vượt biên chết trên biển ”
Nói rồi bác dựng bức tranh của ông hoạ sĩ già lên cho mọi người coi :
“ Vầy nè…vẽ vầy mới gọi là vẽ nè…”
Ong hoạ sĩ hiểu ngay tâm tư của bác Ba Phi. Thật ra tranh pháo thế nào bác ta không quan tâm, bác chỉ quan tâm mỗi chuyện bán bức tranh này cho bác có tiền gửi về nhà cho vợ chồng thằng Đạu thôi.
Cô hoạ sĩ ngắm nghĩa bức tranh của ông hoạ sĩ già, gật gù :
“ Bác vẽ thế này …ấn tượng lắm..nhưng chắc là khó trưng bày ở trong nước. Mấy vị ở Sở văn hoá thông tin thấy vẽ chuyện vượt biên thế nào cũng giãy nảy lên…”
Ong hoạ sĩ già gật đầu :
“ Tôi biết…tôi thừa biết chuyện đó…bởi vậy có bao giờ tôi mang tranh về nước bày đâu. Tôi vẽ cho bà con bên này coi thôi. “
Rồi ông quay sang bà chủ gallery :
“ Bức tranh này trước đây nhiều người hỏi mua tôi không bán. Nay tôi bán đó, chị mua đi…”
Bà chủ gallery ngập ngừng :
“ Cách nay mười năm ông bán thì tôi mua ngay, còn bây giờ…còn bây giờ…ông cứ trưng bày ở đây,  ai hỏi mua tôi sẽ bán giúp…”
Ong hoạ sĩ ngớ người,  kêu lên :
“ Chi bắt tôi ký gửi à ? Sao kỳ vậy ? Chị đã từng nài nỉ tôi bán mà tôi chưa chịu mà. Giờ tôi bán cho chị đó…”
Bà chủ gallery gật đầu :
“ Bác nói rất đúng, trước đây tôi tùng nài nỉ bác bán mà bác không chịu. Giờ thì tôi chỉ dám nhận để bác ký gửi thôi…”
Ong hoạ sĩ ngạc nhiên :
“ Sao lạ vậy ? Trước nài nỉ , giờ lại không. Vậy là sao ?”
Bà chủ gallery giải thích :
“ Ong thông cảm cho chúng tôi. Buôn bán tranh thật ra cũng chẳng khác gì buôn bán quần áo thời trang. Hồi đó bà con mới vượt biên sang đây nên quan tâm tới đề tài này lắm. Tranh loại này của bác thời đó ăn khách lắm, nếu bán vào hồi đó chắc chắn có người mua ngay. Còn bây giờ…”
Ong hoạ sĩ sốt ruột :
“ Còn bây giờ thì sao ?”
“ Bây giờ chuyện vượt biên nhạt đi rồi, chỉ còn một số người già nhắc tới nó vào dịp 30 tháng Tư mà họ coi là ngày quốc hận thôi. Đa số lớp trẻ bây giờ không còn muốn nhắc tới chuyện đó nữa, họ quan tâm tới chuyện làm ăn, kiếm tiền, đi du lịch. Bởi vậy tranh của bác hiện nay khó bán lắm…Nếu bác đồng ý xin gưì lại đây nếu có ai hỏi mua tôi bán giúp…”
Ong hoạ sĩ bực mình :
“ Vậy chừng nào bán được ?”
Bà chủ gallery lắc đầu :
“Làm sao tôi biết được. Nhưng chắc là lâu đấy. Bây giờ chẳng ai còn muốn nhớ lại những chuyện kinh hoàng này nữa đâu…”
Bác Ba Phi như bị dội cả thùng nước lạnh vào nỗi háo hức có được tiền gửi về cấp cứu cho vợ chồng thằng Đậu. Bác cố vớt vát :
“ Chị nói gì kỳ vậy ? So với những bức tranh vẽ rối mù của cô này thì bức tranh “vượt  biên” này giá trị, dễ bán hơn nhiều chớ ? vẽ công phu vậy kia mà?”
Bà chủ lại lắc đầu :
“ Không phải cứ vẽ công phu là bán được đâu. Như bức tranh  “trừu tượng phố” của cô Ban Mai đây. Nom loằng ngoằng vậy mà đã có người đặt mua rồi đó. Nhưng họ mới trả 3000 đôla mà tôi chưa bán đó…”
Bác ba Phi kêu lên :
“ 3000 đôla bức tranh vẽ loằng ngoằng như khói thuốc vậy ư ?”
Bà chủ gallery gật đầu :
“ Đúng vậy đó. Nói như bác, tranh vẽ loằng ngoằng vậy mà bán được lắm đó…”
Bác Ba Phi cứ ngẩn cả người. Thật chẳng còn hiểu ra sao nữa. Bức tranh vượt biên vẽ công phu, hoành tráng thế kia mà bà chủ tranh này lại không chịu mua, còn bức tranh vẽ lôi thôi như con nít bôi màu thế kia lại được trả giá ngay tới 3000 đôla thì thật không sao hiểu nổi.
Ong hoạ sĩ thở dài :
“ Nói thực với chị ..đây là bức tranh kỷ niệm, tôicó định bán đâu…ngặt vì bác Ba Phi đây đang cần tiền cứu hai vợ chồng đứa cháu ở nhà không thì chúng nó sa vào phá sản có khi còn tù tội nữa, nên tôi mới mang bán tranh để giúp bác…”
Nói rồi ông hoạ sĩ kể lể dài dòng về chuyện vợ chồng thằng Đậu bị thất bát trong vụ nuôi  cá ba sa ra sao, dự định nuôi ba ba thế nào. Ong kết luận :
“ Cũng là tại tôi…tôi nói đùa tranh bác Ba Phi bán có giá lắm ít cũng 3000 USD, bởi vậy bác mới tin tưởng gọi điện về cho vợ chồng thằng Đậu nên tụi nó ỷ y cứ trông vào tiền ông gửi về mới nằm há miệng chờ sung…”
chủ gallery tròn mắt :
“ Bác Ba Phi cũng vẽ tranh ?”
Bác Ba Phi ngượng ngùng :
“ vẽ vời gì đâu…tôi thấy ông hoạ sĩ này vẽ lung tung, quệt ngang quệt dọc nên tôi cũng bắt chước thử coi sao ? Hoá ra đâu có thành tranh…vứt sọt rác cả rồi…”
Ong hoạ sĩ cười hềnh hệch :
“ Thì tôi đùa chơi thôi mà…ai ngờ bác ba Phi cứ tưởng tranh mình là kiệt tác bán được 3000 USD nên mới gọi điện về cho vợ chồng đứa cháu là vợ chồng thằng Đậu yên trí bác sẽ gửi  tiền về làm tụi nó dài cổ ra chờ chẳng cần làm ăn gì hết…”
Bà chủ gallery kêu lên :
“ Chết…lại còn đua dai đến thế kia ư ? Đùa vậy bằng giết người ta còn gì ?”


                                       (còn tiếp)

0 nhận xét