Open top menu
Thứ Năm, 17 tháng 5, 2012



                                             (tiếp theo)

Rồi trước khi lên  xích lô chờ sẵn, bà cười đắc thắng:
     - Cháu nói với con Hồng Loan: thằng Êđê về Tây Nguyên với vợ nó rồi, đừng chờ mất công.
Tôi nghe như có tiếng nổ bên tai, khổ thân Hồng Loan, biết chuyện đó  sẽ ngã ngất. Làm sao tôi đủ can đảm trút lên đầu bạn tôi nỗi đau đớn này. Nó có thể chịu đựng mẹ coi trọng sổ hộ khẩu hơn nó, nhưng mất anh chàng da đen không khéo phát điên. Tôi lê từng bậc cầu thang, mệt rũ vì những cảm xúc quá nặng nề, chẳng  mong gì hơn nằm vật xuống giường cho qua đi cái ngày chủ nhật buồn thảm này.
      Hồng Loan đón tôi ngay cửa phòng, mặt nó già hẳn trong chiếc mũ cô dâu, cái giá phải trả cho tình yêu quá đắt . Tôi nói cho nó yên tâm:
      - Bà ấy về rồi.
      - Sao bà ấy đến đây? Còn gì nữa đâu mà đến? -  Nó hỏi giận dữ cứ như  với ai đó chứ không phải tôi.
      - Còn sổ hộ khẩu, cậu trả ngay bà già lĩnh hàng em cậu gửi về.
      Hồng Loan cười lạnh lẽo:
      - Ra thế đấy. Vậy mà tớ cứ tưởng...
      Tôi quay mặt để nó khóc cho tình mẫu tử, nhưng không, mắt nó ráo hoảnh , hình như nó đã chịu nhiều chuyện ghê gớm hơn việc mẹ nó đòi sổ hộ khẩu. Nó lẳng lặng mở túi, quăng cho tôi cuộn giấy.
      - Cậu giúp tớ mang tới nhà trả bà ấy ngay.
      Tôi mở cuộn giấy lấy hộ khẩu và sửng sốt:
      - Cậu đăng ký kết hôn rồi hả?
      - Thủ tục thông thường, có gì lạ .
      - Sao bà ấy bảo anh ta có vợ rồi?
      Hồng Loan cười nhếch mép:
      - Bà ấy cố tình quên anh ấy đã ly hôn.
      Tôi muốn hỏi còn nguyên nhân nào khiến bà già cấm cản quyết liệt vậy, nhưng ngại động tới vết đau của bạn. Thôi, biết thêm cũng đến thế, tôi chẳng giúp được gì hơn ngoài việc cầm sổ hộ khẩu đi trả bà già. Thực ra, tôi cũng muốn rút khỏi đám cưới bất thành này , chỉ ngại nên báo cái tin sét đánh kia thế nào khỏi đột ngột.
      - Cậu đi ngay đi, còn quay về kịp đón anh ấy.
      - Tớ đoán... có thể chồng cậu đã đi rồi.
      - Đi đâu? Cậu đoán anh ấy đi đâu?
      Nó làm tôi cuống lên, chẳng nghĩ ngợi gì nữa, tôi nói thẳng:
      - Bà già bảo anh chàng ấy đã trở về Tây Nguyên.
      - Nói láo, bà ấy nói láo.
      Tôi ngồi im thít, không dám cả thở, mặc Hồng Loan nổi giận, quát mắng. Có tiếng gõ cửa. Nó đập vào tim tôi và chắc cả Hồng Loan nữa khiến cả hai lặng đi. Tôi đứng dậy thầm khấn trời ban phép lạ anh da đen xuất hiện. Tôi run tay mở cửa. Không phải , ông hàng xóm sang hỏi mượn cái búa. Tôi từ chối phắt, khép ngay cửa không cho ông ta nhìn vào phòng.
      - Cậu đi đi, chưa trả hộ khẩu cũng được, đi đâu thì đi, tớ muốn ở lại một mình.
      - Thôi được, trong ngày hôm nay tớ sẽ trả bà già.
      Tôi cầm hộ khẩu, e ngại nhìn bạn, rồi chẳng biềt làm gì hơn, tôi bước ra khỏi phòng. Tôi khép cửa lại sau lưng, khép lại cả cái nhìn vô hồn của Hồng Loan đang ném theo tôi. Tôi đạp xe thật nhanh ra phố. “Ngày chủ nhật tươi hồng”, vẫn đang làm bận rộn và tất bật dòng xe và người.
       Đời sống vẫn diễn ra tưng bừng náo nhiệt bất chấp những gì đang xảy ra trong căn hộ bé bỏng của tôi. Tôi phân vân không biết đi về đâu? Đến nhà Hồng Loan lại phải giáp mặt với bà già thì tôi chịu, ấn tượng về bà khiến tôi mới nghĩ đến cũng đủ sợ. Tốt nhất ghé nhà nhờ Tú mang tới. Tuy nhiên, trước hết phải an ủi cái dạ dày đã. Tôi ghé quán phở vắng. Bà hàng mở vung nồi nước dùng làm khói bốc lên kéo theo một mùi thơm kỳ lạ khiến tôi hấp tấp dựng xe ngoài hè, bước vội vào quán.
      - Kìa cô, khóa xe đã, chỗ này nhoáng cái là mất.
      Mặc kệ lời khuyên của ông già bán lạc rang, không phải tôi mà chình cài dạ dày đẩy tôi ngồi xuống bàn.
      - Đời vui quá không buồng được.
      Tôi thầm nghĩ vậy khi bát phở bốc khói nghi ngút đặt xuống trước mặt tôi.

4.

      Lâu lắm tôi lại có dịp ngồi trước mặt ông giám đốc bên chiếc bàn lớn nhất cơ quan, trên bày đủ thứ dụng cụ văn phòng hoa cả mắt chỉ còn biết ngắm nghía mỗi cái lọ mực bên xanh bên đỏ bằng pha lê và tôi cứ nghĩ mỗi màu đó ông sẽ dùng trong trường hợp nào? Cắt câu cắt chữ trong bản thảo , tất nhiên mực đỏ được ra mắt , thế còn ký duyệt  phiếu tạm ứng tiền, có thể là xanh, cũng có thể là đỏ tùy quy định về văn bản tài vụ . Sống cơ quan được ba năm, tôi thấu hiểu sự chặt chẽ của qui định hành chính, chẳng hạn lúc lên xe con, thủ trưởng bao giờ cũng ngồi ghế trước, đằng sau là nhân viên, nhưng đi một mình, thủ trưởng lại chuyển xuống ngồi ghế sau. Ông Giám đốc vốn là bạn bố tôi, ngày xưa cùng đi B, cùng đơn vị, tuy nhiên giữa và tôi còn có ông Trưởng phòng biên tập, bởi vậy mối quan hệ thân tình đã bị tương quan thủ trưởng - nhân viên lấn át, trở thành mối quan hệ hành chính. Trật tự thứ bậc ấy ăn sâu khiến cử chỉ điệu bộ cho tới cách nói cười đều biểu lộ dấu hiệu của nó. Bởi vậy trừ ông Trưởng phòng chắc biết trước, còn cả phòng , ông nào cũng tròn xoe mắt khi thấy tôi được gọi lên gặp ông Giám đốc.
      - Anh Biên Cương này là bạn cô? - Sau cùng ông Giám đốc lên tiếng.
      - Dạ vâng - tôi trả lời rất khẽ và cố đoán xem ông dắt tôi tới đâu.
      - Anh ta viết lâu chưa?
      - Dạ lâu, nếu tính cả làm thơ thì phải gần chục năm nay.
      Ông Giám đốc quay người lúi húi tìm trong kệ sách sát sau lưng. Tôi nhận ra bản thảo tiểu thuyết của Biên Cương, hóa ra ông Trưởng phòng đã đọc xong đưa lên đây, chà, thật nhanh, vậy mà ông chẳng hé răng  lấy một lời.
      - Biên Cương đã vào Hội nhà văn chưa?
      - Dạ chưa?
      Ông nhìn tôi, mắt đầy suy nghĩ, tôi hiểu, ông quyết định rồi, ông chỉ tìm cách nói ra thế nào.
      “Cuốn này viết khá, nhưng cần được thử thách qua nhà xuất bản địa phương, cô biết rồi đấy, ta là Nhà xuất bản quốc gia, chỉ in sách hay “.
      Tôi thấy xấu hổ với Biên Cương, tôi có thể dẫn ra cho ông Giám đốc cả chục cuốn “ Nhà xuất bản ta” đã in mà chẳng có ai khen hay được một câu, dù các ông các bà ấy cầm bút  đã vài chục năm, đều là Hội viên Hội nhà văn, tôi có thể chứng minh cuốn của Biên Cương còn hơn khối cuốn đó, tôi có thể... nhưng thú thực, “rằng tôi chút phận đàn bà”, tôi lười nhác yếu hèn lắm, làm sao có thể “một mình một ngựa” vượt qua cả rừng thủ tục, thứ bậc, lề thói mà ngay đến ông Giám đốc  cũng bị chi phối. Lại cũng giống như khi ông bảo tôi bổ xung “Thu thuế nông nghiệp” và “Cõng con đi kể khổ”vào tập thơ cụ X, tôi cúi mặt cầm lên tập bản thảo , tránh nhìn mặt ông Giám đốc đầy bẽn lẽn. Tuy nhiên, khác với lần trước, ma quỷ thức dậy trong  tôi sao đó, lúc đứng dậy, tôi hỏi một câu động trời:
      - Thưa chú, vậy chừng nào chú về hưu?
      Trời ôi, ông Trưởng phòng của tôi dù có uống cả lít rượu cũng chả đỏ mặt bằng ông Giám đốc lúc này. Tôi hoảng quá, chỉ sợ ông mắng tôi hỗn xược, chẳng ngờ, sau một thoáng lặng đi, ông nhẹ nhàng:
      - Cấp trên giữ chú lại vài ba năm nữa, hiện chưa tìm được người thay.
      Một sự khác lạ mọi khi, ông tiễn tôi ra  tận cửa, tôi giọng thật buồn:
      - Chỉ có bố cháu ngày xưa hiểu rõ được chú, chú không hám cái ghế Giám đốc này lắm đâu, về hưu đọc và dịch sách sướng hơn, nhưng trong tình hình hiện nay, chú cần phải trụ lại để ổn định cơ quan và ra được nhiều sách hay.
      Tôi đã quen với quan hệ thứ bậc, không chuẩn bị đón nhận những  tâm tình của thủ trưởng thuộc thế hệ cha chú, nên đành làm ra vẻ ái ngại lắng nghe và khi bước rảo về phòng ,nhẹ cả người. Ông Trưởng phòng  nhìn tập giấy dày cộp , gọi giật lại, thì thào:
      - Sếp không duyệt phải không ? Tôi biết trước mà, cuốn này viết giỏi đấy, nhưng nhân vật không rõ ràng, xấu tốt lẫn lộn, dễ làm người đọc hoang mang  Này, lúc nào Biên Cương tới bảo hắn lên đây chơi.
      Tôi thở dài, ngao ngán trở về bàn. Lại một lá thư nữa của Bình. Em thân yêu của anh... Lại những lời âu yếm cũ. Chỉ những điều về công việc là mới. Anh đã tính toán xong phần kết cấu cầu, có thể phải thử nghiệm bằng mô hình... Anh có vẻ rất hồ hởi vì thôi không phải thiết kế những chiếc “cầu giấy”.
Có thể tôi cũng hồ hởi như anh, nếu cuốn sánh của Biên Cương do tôi biên tập được xuất bản. Hôm nay ngày 25, ngày hẹn trả lời , ừ thì đúng hẹn cho ra vẻ mình cũng “tốc độ”, cũng “công nghiệp” như anh .
 Tôi gọi điện theo số anh ghi . Allo... đầu dây bên kia có tiếng con gái, xin đợi tôi đi gọi, lát sau đã nghe tiếng Biên Cương cười hồ hởi . Ừ thì cười đi, lát nữa tới nhận lại bản thảo anh sẽ mếu. Tôi đặt cạch ống nói xuống chẳng biết làm gì trong lúc đợi Biên Cương.
“Người con gái ra đi lúc mờ sáng...” Thôi thôi, nản quá rồi, không  muốn viết thêm chữ nào nữa. Chẳng để làm gì cả. Viết như Biên Cương rồi cũng đến thế thôi. Nghệ sĩ “tiên phong” như Hồng Loan, Hoàng Minh rồi cũng điên khùng hết. Tốt hơn hết làm người bình thường, tốt bụng, như mẹ tôi, như bà đánh máy, sinh con đẻ cái nuôi  chúng lớn khôn rồi chết già.
      Điện thoại báo dưới cổng có người tìm , Biên Cương đấy. Giá như anh không báo trước, hẳn tôi đã nhào ngay xuống ngay, biết rồi chả đi đâu  vội, cứ thong thả uống chén nước, lướt qua tờ báo, thong thả xếp tài liệu vào tủ, khóa lại. Lại điện thoại. Ông trưởng phòng biên tập nhấc nghe, giục tôi xuống cổng có khách. Tôi nhớ ra  Biên Cương rất năng động, rất “công nghiệp”, chờ lâu quá không khéo anh phóng đi rồi. Dẫu sao tôi vẫn cứ xuống. Tôi báo ông trưởng phòng hôm nay tôi mệt, xuống gặp cộng tác viên xong tôi xin phép về luôn. Ông có vẻ ngạc nhiên bỗng dưng hôm nay tôi  phép tắc kỹ quá thế. Ông rối rít đồng ý và còn ái ngại nhìn ngắm dung nhan tôi coi có cảm nặng không.
      Biên Cương vẫn đứng chờ, không tỏ vẻ khó chịu vì tôi quá dềnh dàng, ngược lại còn cười tươi tỉnh. Tội nghiệp, anh chưa sẵn sàng nghe tin bản thảo không được duyệt.
      - Mình tìm quán vắng uống cà phê đi - Tôi rủ.
     - Tốt nhất về chỗ anh, cà phê Buôn Mê Thuột chính hiệu.
      Tôi bằng lòng, quẳng xe lại cơ quan, nhảy lên ngồi sau xe máy, Biên Cương không hỏi han gì, nhưng tôi đoán đã linh cảm được việc của anh không xong. Xe vòng vèo qua những phố đông đúc quen nhẵn tới từng cái ổ gà, chẳng thiết ngắm nghía nữa, nhắm mắt lại như người ngủ gật. “Chạy hết ga đi anh”. Gió đánh lùng bùng bên tai, cảm giác trôi tuột tới nơi rất xa, bỏ lại phía sau thành phố và những con người. “Bon voyage” , Không hiểu ông cụ X. khi “lên đường” có cảm giác “trôi tuột” như tôi lúc này ? Có lẽ không phải vô cớ tôi thấy căn phòng cụ nằm lúc đang chết giống như khoang kín  con tàu vũ trụ sắp rời trái đất, đi vào cõi vô cùng.
Chiếc xe chậm dần và đỗ lại, tôi mở choàng mắt, trước mặt là căn nhà gỗ trơ trọi ven đường. Chúng tôi đã cách xa thành phố, xung quanh chỉ còn đồng lúa xanh. Biên Cương dựng xe đầu hè, dẫn tôi bước vào căn buồng nền đất, một người đàn bà đang ngồi đạp máy may, ngước mắt lên chào rồi lại cúi xuống đường chỉ chạy dài.
      - Mình ra vườn ngồi cho mát.
      Một mom đất nhô ra ngoài cánh đồng nom chẳng khác gì một ốc đảo giữa biển lúa xanh, trên đó kê bộ bàn ghế mây, khi ngồi xuống gió thoáng lộng, tôi phải kêu lên: “Oi, chỗ này tuyệt quá”.
      Biên Cương bưng ra hai phin cà phê thơm nức. Quả thật rất hiếm khi tránh được căn phòng chật chội, mù mịt khói thuốc, đinh tai tiếng nhạc để uống cà phê ngoài trời thế này. Tôi nhấm nháp , khoan khoái ngước nhìn ngọn cây cao vút chọc thẳng lên bầu trời xanh thẳm. Biên Cương bật lửa cho tôi châm thuốc:
      - Em hút chơi thôi, kỳ này anh thấy em hơi gầy.
      - Tuần trước anh chê xanh, tuần này lại chê gầy. Lần này ra anh toàn chê em . Nhưng không sao, em “miễn dịch” rồi.
      - Với cả tình yêu nữa chứ?
      - Cũng miễn dịch luôn.
      Biên Cương bật cười:
     - Ấy thế mà hôm nay anh lại có ý nghĩ nối lại tình xưa với em kia đấy.
      - Thôi thôi, anh dành mấy câu cải lương ấy vào miền Nam cho bà chủ vườn.
      Cả tôi lẫn anh đều cười rất to. Quả thực “mối tình xưa” đã quá “xưa” giữa hai chúng tôi khó hen nhúm được chút yêu đương nào dù cả hai có muốn chăng nữa. Anh chợt búng mẩu thuốc lá, hỏi tôi:
      - Thế nào, “chuyến du lịch miền Nam” có thích không?
      - Rất thích, thật không ngờ văn chương thương mại như anh lại viết nghiêm chỉnh vậy. Cả ông Trưởng phòng lẫn ông giám đốc đều khen hay. Rất tiếc...
      Tôi ngập ngừng, thật khổ tâm phải nói ra kết quả làm anh rơi từ chín từng mây. Biên Cương nhìn tôi chăm chú rồi gật đầu:
      - Anh hiểu rồi? các ông ấy từ chối phải không?
      - Em rất tiếc, cuốn của anh rất đáng in.
      - Không sao . Anh sẽ in ở nơi khác. Sẽ tới lúc các ông Giám đốc không còn độc quyền xuất bản như xưa nữa. Thế hệ cầm bút bọn anh sẽ không chịu ngồi chờ các ông ấy ban phát ân sủng đâu.
      Mắt Biên Cương lóe lên giận dữ. Ngày trước tôi chưa hề thấy anh sôi lên thế . Anh lạc quan quá sớm chăng?
      - Anh nói thực , ba tháng nữa anh sẽ mang sách ra tặng các thủ trưởng của em. Bây giờ người đọc chỉ cần sách hay, đóng nhãn nhà xuất bản nào chả được, miễn đáng đồng tiền họ móc ra.
     - Thôi thôi, bỏ đề tài này đi, mất ngon cả cà phê.
      Tôi can anh vậy thôi, sự thực tôi chỉ muốn thưởng cho anh một cái hôn lên má về niềm vui anh đang gieo trong tôi.
     - Sáng mai anh bay sớm.
      Lần đầu tiên tôi lưu luyến khi chia tay anh. Chị chủ nhà rời máy may bưng ra một mâm đồ nhậu. Biên Cương kiếm đâu được thứ rượu có hương phật thủ, nhẹ thôi, nhưng tôi mềm môi cứ uống mãi thành say.
     - Thôi em đừng uống nữa.
      Anh đưa chai rượu cho chị chủ nhà mang đi cất. Tôi nói hôm nay em rất vui, anh cứ để em uống, không sao cả đâu. Anh cười gật đầu, rót vào cốc tôi nước gì đó khi đưa lên miệng, tôi nhăn mặt:
     - Không phải rượu... nước xôđa, đúng không? Tại sao anh lại lừa em?
     - Anh có lừa em đâu rượu thực đấy.
      Tôi vẫn cãi không phải rượu mà là nước thôi, xin đừng lừa tôi, mọi thứ trên đời này tôi chịu được hết, trừ sự giả dối. Nước mắt tôi bỗng chảy ròng ròng, kìa, sao tôi lại khóc, không phải đâu, tôi muốn làm trôi đi “giọt nước mắt giả” không bao giờ rơi trên gò má thôi. Tôi nhe răng để cười:
     - Không phải em khóc đâu, em muốn tặng anh những giọt nước mắt thực đấy.
      Tôi cầm lấy khăn tay anh đưa tôi. Anh nói nhỏ với người đàn bà, tôi thấy chị gật gật như hai người đang âm mưu bí mật. Tôi bỗng thấy mình lố bịch khi nói câu đó, người ta có thể cười khi vui, khóc khi buồn, nhưng chớ nên biến mình thành lố bịch.
      Biên Cương nhìn tôi chăm chú, bỗng bật cười:
     - Của thật mất đi, của giả còn lại, em có lau đến rách khăn cũng chả mất được cái “ giọt nước mắt giả” kia.
     - Không, em không hề có ý định lau, một chút giả dối tự nhiên có khi lại có duyên kia đấy.
      Tôi cười nghiêng cả người . Bên ngoài, người đàn bà đang dắt xe khỏi cửa. À... ra là như thế. Tưởng âm mưu gì ghê gớm.
     - Em mệt rồi, vào nhà nghỉ đi...
      Biên Cương đứng dậy, dìu tôi đi trên nền dất ẩm ướt, thì thào gì đó bên tai tôi  chẳng rõ, tôi chỉ nghe thấy ở phía dưới ruộng có tiếng ếch ộp. Tôi dừng lại bên ngưỡng cửa lắc đầu, cao quá, chịu, em không bước qua nổi đâu. tôi thấy anh cười và tôi được bế bổng lên đi qua cái bóng ẩm ướt của căn phòng chật chội. Anh đặt tôi trên chiếc giường gỗ, loay hoay đi tìm gối. Mắt tôi ríu lại... Thế rồi vang bên tai tôi tiếng ếch ộp. Nó làm tôi nhớ tới hai con ếch đực mẹ tôi mua. Không được, tôi ngồi bật dậy. Tôi không muốn đứa cháu ngoại mẹ tôi mong đợi sẽ không biết đích xác  ai là bố nó.
      Biên Cương đã tìm thấy gối và quay trở lại:
      - Kìa, em định đi đâu thế kia?
      - Em phải về.
      - Về sao được... đang còn say thế kia.
      Tôi hung dữ đẩy bật Biên Cương ra, cài lại khuy áo và bỏ chạy. Lố bịch, mình thật lố bịch, tôi đứng tựa lưng vào cột điện ngay ngoài cửa, lướt nhìn trời chiều đông xaùm laïnh.
           
                            (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét