Open top menu
Thứ Sáu, 25 tháng 5, 2012



                    
                                            (tiếp theo)

Đó là lời khuyên đầu tiên của mẹ khi tôi đã trở thành một tư cách mới, quan trọng đến độ trong bữa ăn, thằng Tú phải nhìn tôi bằng ánh mắt đầy kính nể khi mẹ gắp cho tôi một miếng cá nạc, giằng bát ra không cho tôi ăn cháy dưới đáy nồi vì sợ sau này...sót nhau. Tôi hỏi Tú :
      - Việc em tới đâu rồi?
      - Chị hỏi việc gì?
      - Việc...đó chứ còn việc gì ?
Nó tròn xoe mắt về sự quan tâm hiếm có của bà chị. Cả tôi nữa, cũng tự thấy lạ, có khi nào tôi quan tâm tới việc đó.
      - Không xong rồi - Tú lắc đầu, em với con bé đó không hợp nhau.
      - Vậy tốt, cái tướng nó chị chẳng ưng chút nào.
      Tú cười mủm mỉm về sự dạy dỗ trong “tư cách mới” của bà chị. Lạ nhỉ, sao bữa nay tôi lên giọng bảo ban kỹ càng thế, quên béng ngay câu nói cửa miệng của nó : “mỗi người hãy chịu trách nhiệm lấy chính mình”, tôi khuyên nó hãy tập trung học hành, sau này nên chọn cái đứa biết thương mẹ chồng, vân vân và vân vân...
      Tôi trở lên phòng nhớ ra bức thư viết cho Bình. Không biết tôi có nên báo tin này cho anh biết không? Tội nghiệp, anh mong mỏi nó còn hơn cả mẹ tôi. Gần hai tháng qua, chắc anh không còn hy vọng tạo hóa đã cho anh cơ may đúng vào đêm sau cùng đó, nhất anh vẫn coi tôi “lãnh cảm” và “phi tự nhiên”. Cái kết quả anh không ngờ tới cho anh một bài học đích đáng về tội thích dùng khoa học kỹ thuật như cái ống nhòm chĩa vào bên trong con người . Tôi vẫn nguyên vẹn đàn bà, ý nghĩ vui vẻ đó làm tôi cao hứng bật máy cát xét nghe lại cuộn băng bữa trước .
      Tiếng Bình :
      - Một, hai, ba...tôi là Kiều Vân đây...tôi là Kiều Vân đây...Một, hai, ba...tôi xin đọc một bài thơ tình.
      “ Xích lại gần đây thêm chút nữa
      Hôn anh đi trời chưa ngả chiều hôm”.
      Tiếng tôi :
      - Ha ha...ha ha...ha ha...
      Tiếng nhà thơ X:
      - Cảm ơn ...bon voyage, ...bon voyage...bon voyage...
      Thế đấy, chỉ một đoạn băng ngắn vô tình đã lên được diện mạo ba con người. Giọng ông cụ X. yếu ớt, trang nghiêm, khắc khổ, giọng của Bình khỏe mạnh, hài hước, hồn nhiên và ở giữa hai người tôi chỉ có tiếng cười. Vậy đã sao, đời vui thế sao không cười  Ông Gogol tôi cũng cười suốt đấy là gì?
  Nhân cơn hào hứng, tôi lấy tờ giấy khác viết thư cho Bình. “Anh của em”- tôi mở đầu và sau khi thấy vậy cũng ổn, chẳng “cải lương”lắm, tôi  viết tiếp. Thật khác viết tiểu thuyết, lúc này bao ý nghĩ  có sẵn cứ tranh nhau  ra . Nào nay anh không được coi tôi là đàn bà “lãnh cảm”, “phi tự nhiên “ nữa, nào tôi đã mang trong người trọng trách duy trì dòng chảy cho nhân loại, nào “cái cô Vân dại ấy đã ra đi vào lúc mờ sáng rồi” tôi sẽ không viết thêm chữ nào nữa, còn tôi, từ nay tôi sẽ thai nghén, theo nghĩa đen, một tác phẩm vĩ đại nhất ngay cả khoa học cũng không tạo ra được: một con người... khởi đầu là vật hy sinh ...tôi vứt giấy bút không viết nữa, lục trên  giá sách  cuốn dậy sinh đẻ ...ngày đêm thu nhận dưỡng chất, tăng trưởng dần trở nên một con người, ngay trong bụng mẹ. Vậy là “tha nhân ” nằm trong chính mình, đúng quá rồi còn gì. Tôi mỉm cười nhìn ảnh chụp thai nhi qua từng tháng, theo vậy, trong tôi lúc này mới chỉ có hình hài con cá, vài tháng nữa rõ ra một con người hẳn là tôi sẽ hết cô đơn, hết những giây phút còn lại một mình, khi đó, dù ở đâu,  lúc nào, tôi vẫn cứ là hai con người. Đó là sự “chia đôi” hay “cộng thêm”? Tiếng gõ cửa làm tôi bực mình, tôi không muốn giáp mặt  bất kỳ ai trong lúc này khi kết quả xét nghiệm bằng hai con ếch đực làm tôi chưa hết bàng hoàng.
      Hồng Loan ùa vào phòng mặt mũi tái nhợt. Lại có chuyện gì rồi? Mẹ nó đến phá tổ uyên ương ? Anh da đen của nó lại bỏ đi? Tội nghiệp, chắt chiu đôi chút hạnh phúc cho mình , khó khăn thế đấy .
      - Hoàng Minh uống thuốc ngủ tự tử  rồi.
      - Thật không, cậu nghe ai nói?
      - Cô em vừa mới tới báo tin. Xe cấp cứu đưa vào Việt Đức rửa ruột.
      - Tại sao lại điên thế?
      Hồng Loan chỉ nhún vai, nhìn tôi, chờ đợi. Nó chờ gì ở tôi, một phép lạ giúp anh ta sống lại, hay một ăn năn, cắn dứt khi chính tôi gây nên cái chết của Hoàng Minh? Không, lúc này cả hai thứ đó tôi đều không có, ngược lại tôi chỉ thấy căm tức. Anh đã dai dẳng đòi tôi cái tôi không thể có, cuối cùng dùng tới cái chết như một bóng ma suốt đời ám tôi như món nợ tinh thần.
      Hồng Loan rụt rè:
      - Cậu nên đến bệnh viện.
      - Tại sao tớ phải đến?
      - Cái đó cậu phải biết  hơn tớ chứ.
      - Tớ chẳng biềt cái gì hết, nếu cậu cần thì tớ sẽ tới và làm bất cứ việc gì, miễn cứu được anh thoát chết.
     - Chính vì thế gia đình Hoàng Minh mới cần cậu có mặt trong lúc hiểm nghèo này.
      Ra thế đấy, tôi đã trở thành người tối quan trọng không còn giống như ngày tôi tới thăm anh phải sởn cả gáy vì đàn chó phốc và cái nhìn lạnh buốt của bà già. Hồng Loan nhìn tôi sửa soạn, thở dài:
     - Rõ rắc rối, chẳng hiểu sao Hoàng Minh  điên thế?
      Tôi không trả lời, trong trường hợp này, nói bất cứ điều gì cũng không bằng im lặng. Cái quan trọng nhất là Hoàng Minh không được phép chết trong lúc này, dù có quỳ van xin anh ta đừng chết, tôi cũng sẽ quỳ. Gánh nặng tinh thần rất có thể anh sẽ trút lên đầu làm tôi kinh hoàng hơn cả cái chết của anh. Sau cơn chấn động ở nhà tôi hôm đó, anh muốn chết cũng được, đó là cách trốn chạy dễ nhất, nhưng xin đừng rùm beng lên thế, anh có thể chết theo cách khác, ở nơi khác...
      Tôi hấp tấp kéo tay Hồng Loan chạy xuống cầu thang làm mẹ tôi phát hoảng, quát ầm ĩ:
     - Khuya rồi còn kéo nhau đi đâu? Lần sau mẹ cấm con không được chạy sầm sầm thế nữa. Hồng Loan khuyên bảo nó giúp bác, đàn bà có mang rồi phải giữ gìn...
      Hai đứa dắt díu nhau ra phố, Hồng Loan mới đập tay vào người tôi:
     - Dấu mãi... thảo nào... hóa ra thế...
      Tôi bực mình ngồi phịch lên sau xe nó. Tôi không muốn cãi rằng hai chuyện đó hoàn toàn khác nhau. Thậm chí tôi cảm thấy bị xúc phạm khi chen việc Hoàng Minh vào sứ mạng hiện giờ với tôi thiêng liêng và trọng đại nhất: sinh con.
      Hồng Loan cho xe chạy chậm, chắc còn chưa hết hoảng hồn về bài học mẹ tôi mới giảng giải cho cả hai đứa, và hình như sự kiện đó làm nó bớt hằm hằm với tôi. Khi sắp sửa tới bệnh viện, nó giảm ga, thở dài não ruột:
     - Rõ chán, hai lần tới thăm chàng thì một lần chàng ốm, một lần sắp chết.
     - Cậu yên tâm. Hoàng Minh không chết được đâu.
     - Sao cậu biết?
     - Mới uống chưa đầy nửa tiếng đã đượa rửa ruột ngay, chết sao được.
     - Con bé này đúng gan cóc tía. Nhỡ chàng chết thật thì sao?
     - Tớ sẽ đến nhà cho bà già và đàn chó phốc băm vằm, mổ xẻ mặc dù trong chuyện này tớ chẳng có lỗi gì hết.
     - Ừ nhỉ, suy cho cùng cậu có lỗi quái gì? Chung thủy với chồng là đáng khen ấy chứ.
     - Cậu lại lầm lẫn nữa rồi. Bình chẳng dính dáng gì tới chuyện này. Cậu có tin vậy không?
      Hồng Loan dừng xe trước cửa phòng cấp cứu sáng trưng ánh đèn. Giữa đêm khuya, thật khó tìm được chỗ gửi xe, nó bắt tôi đứng ngoài để nó chạy vào hỏi . Tôi gật đầu, ngồi lên yên xe và bỗng thấy nhói lên hồi hộp khi nó khuất sau cánh cửa trên đó có vẽ hình chữ thập đỏ. Lạy trời cho anh không chết, tôi thầm khấn một đấng thần linh siêu hình nào đó và lúc này bỗng dưng nước mắt tôi ứa ra giàn giụa, tôi thương anh, thương cả bà già, thương cả bầy chó phốc nhỏ thó nữa, lạy trời, thế gian này đã tràn đầy nước mắt, xin đừng thêm bất hạnh cho bất kỳ ai.

                       (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét