Open top menu
Thứ Ba, 22 tháng 5, 2012


                                                        

                                       (tiếp theo)

Lâu lắm tôi mới được một mình giữa thiên nhiên trong lành và thoáng rộng như lúc này. Những ngôi nhà cao tầng, những con người trong cơ quan, những chiếc máy điện thoại, những buổi truyền hình màu... tất cả đã xa tít trong thành phố, xung quanh tôi, bây giờ chỉ còn lại những cơn gió vô hình chạy dài trên cánh đồng lúa và màu trầm tư của bầu trời bát ngát. Tôi cứ đứng  vậy, mắt mở to cho tới khi Biên Cương từ trong nhà ra, bước tới đặt tay lên vai tôi. Tôi quay lại, không nhìn anh, chỉ nói dịu dàng:
      - Anh vào đi, em van anh.
      Anh rụt tay lại, đứng cạnh tôi giây lát rồi biến trở vào. Cơn ớn lạnh đã thấm vào người và bắt đầu rung lập cập. Tôi thấy những vòng sáng loáng trong mắt, hai tai như bị vít chặt, tôi chỉ còn biết vòng hai tay ra sau ôm chặt lấy cột điện để chống lại một cơn ngất xỉu. Tôi thấy cố gắng của mình chưa là gì cả, chúa cứu thế bị đóng đinh trên thánh giá còn đau đớn gấp ngàn lần tôi. Ý nghĩ đó làm tôi gan lì đứng giữa trời cho tới khi Biên Cương hoảng sợ chạy ra gỡ tay tôi khỏi cột điện và dìu vào nhà. Ly nước trà nóng làm tôi ấm trở lại. Biên Cương nhìn tôi trách móc. Tôi thấy  chuyện vừa nãy, cả tôi lẫn anh, không ai có lỗi. Vả lại, có gì quan trọng đâu khiến anh phải trầm mặt xuống nghĩ ngợi thế kia?
      Tôi phì cười:
      - Sao? “Sang trang” được chưa?
      - Nếu biết thế này, chả dại gì anh đổi em lấy bà chủ vườn.
      - Anh đừng có tiếc, giờ có muốn đổi, chồng em nó cũng chẳng chịu .
      - Chà em cao giá quá thế?
      - Cũng vừa vừa.
      Chị chủ nhà đã trở về, nhìn tôi khinh khỉnh. Dù chị có chửi vào mặt tôi, chị cũng không có lỗi. Biên Cương đã qua được cơn “khủng hoảng” trở lại vẻ tự tin, nhanh nhẹn thường ngày. Anh muốn nghe tôi nhận xét tiểu thuyết của anh. Thông thường, trong trường hợp này, người ta chỉ thích lời khen. Nguyên cái công ngồi nghĩ ra từng chữ, đánh máy ra từng ấy giấy đã đáng khen , huống hồ anh còn dám rũ tuột cả lối viết khoa trương, õng ẹo để cố gắng viết cho được giản dị và chân thành. Anh nghe tôi nói mắt sáng trưng. Ông nhà văn nào cũng thế, dù kín đáo, đạo mạo đến đâu, khi được khen đều hớn ha hớn hở như trẻ con được kẹo. Theo tôi, có lẽ đó là điểm đáng mến nhất ở các ông. Nhân đà, tôi nói thêm  cả những nhận xét của ông Giám đốc, ông Trưởng phòng biên tập cho Biên Cương  sướng luôn thể. Tuy nhiên sợ anh lại nổi xung lên nữa, tôi không dám nói rằng tất cả những cái đó chưa đủ để sách  anh xuất hiện trong kế hoạch xuất bản của cơ quan tôi. Muốn được chấp nhận, ngay đến tôi cũng chẳng biết được, tác giả và tác phẩm phải có những điều kiện gì. Người ta thường  phải làm OTK một cái quạt Gió Mới, một đôi lốp Sao Vàng, nhưng sản phẩm của Nhà xuất bản thì không thế, sau khi sách ra, người ta chỉ còn làm phần việc sau cùng của cả dây chuyền là đếm chữ, tính tiền cho tác giả.
      Biên Cương đưa tôi về trên xe máy, tôi bảo anh chạy thẳng về nhà mẹ . Hãm xe trước cửa cho tôi nhảy xuống, anh cười:
      - Chồng đi vắng bắt vợ về nhà, gửi mẹ bảo quản phải không?
      - Phải, phải, đồ dễ vỡ mà...
      Thực ra căn phòng của tôi hiện là tổ uyên ương cho cặp vợ chồng mới. Sau đám cưới chui mà vẫn hụt, cuối cùng anh da đen rồi cũng tới vào lúc tôi và Hồng Loan đã ăn hết các món đặc sản, uống hết bia xuất khẩu, bao nhiêu đồ cưới và hoa giấy trang trí đã dẹp đi hết. Hai ngày liền tôi lo Hồng Loan phẫn chí nhảy lầu. Ngày “chủ nhật tươi hồng” hôm đó kết thúc bằng “đêm tân hôn “ của Hồng Loan không có chú rể. Mãi đến chiều, khi hy vọng đã tắt ngấm, Hồng Loan bỗng trở nên can đảm khác thường. Không sao hết, nó bảo tôi, tớ không phải cô dâu duy nhất làm đám cưới không có chú rể, khui bia ra đi, mời cậu dự lễ thành hôn của anh Y Blok và cô Hồng Loan, nào, xin bắt đầu. Nó mở băng nhạc mới, tôi cụng ly chúc mừng hạnh phúc rồi hai đứa ôm nhau nhảy suốt cả một buổi tối gượng vui. Nó chỉ phân vân tại sao Hoàng Minh không tới như đã hẹn, còn tôi thì không muốn nói rõ căn nguyên. Anh chàng hiện giờ chắc đang như con thú bị thương, hãy để yên cho nó chui vào bụi rậm liếm lành vết máu. Sáng hôm sau Hồng Loan dặn tôi phải ở nhà, cấm đi đâu lâu. Nó biến đi đâu mất cho đến một buổi tối tôi đang ngồi định lấy giấy bút viết cho Bình mấy dòng kẻo anh ấy kêu quá, nó chạy ào vào buồng, hớn hở bảo tôi:
      - Quay đi, quay mặt vào tường  nhắm mắt lại .
      Tôi ngẩn người ra, chẳng hiểu vì sao nó bày cái trò “thi hành án tử hình” quái gở này. Và khi tôi đã quay mặt vào tường, sẵn sàng chờ viên AK vào gáy, nó lại hô: “Mở mắt ra, quay mặt lại”. Hồng Loan đã biến mất, trước mặt tôi là một người đàn ông tóc quăn tít, da màu đen, giương đôi mắt rất to nhìn tôi, cười hiền lành. A, Godot đã tới, anh Y Blok của Hồng Loan là thế này đây. Từ sau cánh cửa, nó nhảy ra cười nắc nẻ. Romeo,Juliette và tôi, buổi tối hôm đó đương nhiên phải mở chai rượu tây, vật cuối cùng Hồng Loan có thể thó được của mẹ nó. Thôi, bi kịch đã hạ màn, cái happy end, cái kết cuộc đoàn viên này, tôi là người thừa và cách giải quyết duy nhất là trở về nhà mẹ, nhường lại căn phòng cho đêm tân hôn mà tôi dám chắc rằng những gian truân trắc trở vừa qua sẽ nhân lên gấp mười lần hạnh phúc như của tôi và Bình trong một đám cưới xuôi chiều mấy năm trước đây.


5.

      Không như những lần trước, chia tay tôi lần này, đến lượt Biên Cương  bịn rịn. Chống một chân xuống đường, vẫn ngồi trên xe máy, anh ngập ngừng:
      - Sáng mai em có ra sân bay tiễn anh không?
      Thôi thôi, để rồi tôi lại chúc “bon voyage, bon voyage” như với Bình thì thật rủi ro cho cả hai. Tuy nhiên tôi cũng phải nói câu gì đó cho anh khỏi buồn.
      - Lâu la gì mà phải tiễn. Ba tháng nữa anh lại ra tặng sách cho em và các thủ trưởng của em cơ mà.
      - Ừ nhỉ, vậy thôi, anh đi đây...
      Chiếc xe máy vọt mất để lại cho tôi một làn khói. “Người con gái ra đi vào lúc mờ sáng...”, có lẽ tôi phải theo gương anh viết tiếp chứ? Nếu như có can đảm đi đến cùng như anh, có thể tôi cũng đạt được một cái gì đó ? Tôi bước ra nhà ngoài, mẹ tôi đang tíu tít bán nước trà cho khách, thấy tôi, bà mừng rỡ:
      - Con lên gác nghỉ đi, lát nữa dọn hàng mẹ sẽ lên.
      Tôi thấy lây cái vui của mẹ. Sau Hồng Loan, Biên Cương, thêm một người nữa nhận được cái mình chờ đợi: mẹ tôi đã có giấy phép của phường cho mở quán nước. Như vậy, tôi sẽ lên phòng viết ngay một lá thư cho Bình để anh cũng nhận được cái mình chờ như mọi người. Tôi thong thả lên gác, mở khóa căn phòng vẫn còn nguyên như hồi tôi chưa lấy chồng, chỉ thêm có cái radio-casette tôi mang từ nhà tới. “ Anh Bình ơi”, tôi chỉ ngồi viết ở bàn được có thế cơn buồn ngủ đã kéo tới, khiến tôi phải tạm dẹp đức ông chồng yêu quý để lăn ra chiếc giường đệm mềm. Co người lại trong chăn bông, tôi nghĩ tới món cá rô rán và rau xào tỏi mẹ tôi đang làm và thiếp đi trong niềm vui mơ hồ. Tôi ngủ một giấc ngon lành, chẳng mộng mị gì cho tới lúc mẹ lên phòng bật đèn lay tôi dậy, gọi  xuống nhà ăn cơm. Trời rét quá, tôi ngại chui khỏi chăn, kéo mẹ nằm luôn xuống.
      - Con ạ, mẹ tôi ngập ngừng, cười mỉm mỉm, chiều nay chị Sở ở Bênh viện Bà mẹ và trẻ em mới ghé tới thăm mẹ.
      Tôi nhớ ra hai con ếch đực mẹ tôi mua hôm trước và công cuộc xét nghiệm của khoa học.
      - Kết quả ra sao hả mẹ? - giọng tôi dửng dưng.
      - Cha bố cô, trúng rồi chứ còn sao nữa.
      Tôi im thít, sững người kinh ngạc. Cái ý nghĩ đầu tiên nảy ra là cuộc xét nghiệm cho kết quả tôi vẫn nguyên vẹn là đàn bà. Một người đàn bà khỏe khoắn, lành mạnh, không đầy 9 tháng 10 ngày lại có con nữa kia. Hóa ra mọi phân vân, day dứt, lo lắng của tôi từ trước là hão huyền cả. Rõ chán, sự đời vốn rất giản dị: lấy chồng, đẻ con, làm mẹ trẻ, mẹ già rồi...chết, mọi sự có bằng ấy thôi, tại sao tôi cứ khuấy tung nó lên.
      - Thôi con nhé, từ đây bớt bay nhảy đi, cố giữ gìn cho con sau này nó khỏe.
                                        (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét