Open top menu
Chủ Nhật, 1 tháng 7, 2012


                               
                                    (tiếp theo)

Sau khi đếm đủ 118 con cá giống bé tí tẹo vẫn nguyên xi trong chậu thau, lão mới cho bà vợ bưng vào nhà và quay sang gã lúc này vẫn đang đứng bẽn lẽn như người có lỗi :
“ Nguồn sống chính của tôi đây. Mẹ kiếp, ba bằng đại học, bốn mươi năm hoạt động cách mạng, về già làm thằng gác cổng và nuôi cá… “.
Gã bước rảo ra phố như bị “ma ám”, đôi mắt “hai tròng” của lão cứ bám riết trong đầu làm gã nôn nao, quên béng ý định đi tìm cô gái làm tiền có tên là Tình. Gã cứ bước thấp bước cao dọc theo con phố lờ mờ đèn đường, lừng lững hai hàng cây cao và đôi khi một vệt đèn xe máy lướt qua , chói bên tai tiếng còi xe và tiếng chửi rủa ầm ĩ.
Có tiếng bước chân lạch bạch phía sau,  gã ngoái nhìn và nỗi sợ cố hữu đâm nhói trong ngực. Khổ người đẫy đà, hơi thấp, tóc cắt cao, mặt rộng, người đi sau gã giông giống lão cảnh sát lâu rồi gã không gặp.
Gã quay phắt như điện giật,cố bước thật nhanh đến đầu con hẻm phía trước và quặt vào đó. Không khí đầm ấm trong những ngôi nhà nhỏ sát nhau làm gã yên tâm . Một bộ xa lông trên đó mọi người quây quần xem ti vi, một ngọn đèn mờ tỏa xuống căn phòng nhỏ trong đó một cô gái đang chạy những hợp âm rải trên chiếc đàn piano, ở một ngôi nhà khác, gã thấy hai đứa nhỏ đang học bài… Vầ rồi quanh co hết mấy con hẻm, khi ra tới phố lớn, ngoái nhìn, gã bỗng giật mình, hắn vẫn lẽo đẽo theo  sau , mặt lầm lì, lạnh băng. Gã bước nhanh hắn rảo chân theo, gã đi chậm, hắn cũng bước chậm theo, trời ơi, phải về nhà, về nhà ngay lập tức. Gã cứ cắm đầu cắm cổ đi như chạy và khi tới cổng một ngôi nhà lớn treo đèn rực rỡ  gã đâm sầm vào một người đang đi vào. Không kịp để gã mở miệng xin lỗi, anh ta đã ôm chầm lấy, reo tướng :
“ Ối trời, hoá ra là cậu đấy hả ?  Thế mà tớ cứ nghe đồn cậu bán xới khỏi cái thành phố này rồi đấy. Vào đi, vào kiếm ghế ngồi không sắp hết chỗ thì chỉ có mà đứng. “
Gã cứ để anh ta lôi bừa qua đám người đang túm tụm dọc lối đi, len qua các hàng ghế kê kín sâu và phía trước là cái sân khấu buông kín mít tấm màn đỏ. Một người cao gầy từ trong lách ra gõ rột rẹt vào chiếc micro đặt trên bàn, hét to : " Một … hai… ba…bốn… năm … tôi thử máy… một… hai…  “.
Cuối cùng gã cũng nhận ra cái người đang lôi gã xềnh xệch  qua các hàng ghế chính là nhà thơ nổi tiếng Trẩm Hoài Tử. Suốt cả thời chống Mỹ, hầu như anh ta đã chiếm lĩnh các buổi tiếng thơ thường phát trước lúc đi ngủ bằng những bài thơ nóng hổi hơi thở chiến trường khiến người nghe phải nằm mơ thấy tiếng bom  rơi, tiếng thét xung phong và tiếng nhạc quân hành. Mấy năm nay, anh ta lại gây xôn xao bằng những bài thơ mang âm hưởng “ đổi mới tư duy, làm giàu đất nước” khiến những buổi anh đọc thơ tại các tụ điểm văn hoá kín đặc người nghe, tiếng vỗ tay rầm trời và lúc tan cuộc, hàng chục các chàng trai và cô  gái xinh đẹp cứ tua tủa đưa ra những cánh tay cầm sổ xin bằng được chữ ký.
- Ngồi đây, ngồi đây là tối ưu rồi.
Nhà thơ ấn gã xuống một cái ghế sắt , ngồi xuống bên cạnh rồi lại đứng phắt dậy, phóng tầm mắt nhìn khắp bốn xung quanh :
“ Ông Giám đốc Sở kìa, bà đại diện tuyên huấn thành uỷ kìa. Trời, cả anh Năm Đồng cũng đến nữa kia ư ? Quá năm phút rồi, khách mời đến cả rồi sao không thấy ai ra khai mạc ?”
Đến lượt gã cũng bắt chước  nhà thơ đứng người dậy nhìn khắp bốn xung quanh. Không, không thấy “cái đuôi” đâu cả, hắn đã bỏ cuộc hay ngồi lẫn trong đám người đông nghẹt kia ?
“Kìa, đã bắt đầu rồi kìa…”
  Nhà thơ kéo tay, ấn gã ngồi xuống và trỏ lên sân khấu, ở đó đang đi ra một người mặc comlê, thắt cravát, tay cầm cuộn giấy tiến tới microo, khom lưng xuống chào trịnh trọng :
“Để mở đầu đêm thơ  chủ đề “ đổi mới tư duy “,  tôi xin hân hạnh được giới thiệu… “
 Gã trợn tròn cả mắt, ù cả tai chẳng còn nghe thấy gì . Trời ơi, liệu có thể như thế được không, “hắn “ đó,  cái người đi theo gã trông giống hệt ông cảnh sát, mà có lẽ đúng ông ta thật chứ chẳng chơi, cái người đó chính là diễn giả đang đứng trên sân khấu đọc diễn văn khai mạc kia.
“Hay thật, cái lão này nói trúng vấn đè thật…”
  Nhà thơ vỗ đôm đốp  vào vai gã, không để ý gã đang nhớn nhác tìm lối ra. Chuồn cho nhanh khỏi nơi này thôi, gã nghĩ vậy, chuồn nhanh trước khi hắn đọc xong diễn văn và đi tới thộp cổ mình.
À, đừng có ra vẻ vờ vịt nhé, mình thừa biết hắn chả chú trọng tới những điều hắn đang đọc trong cuộn giấy kia đâu, hắn chỉ nhăm nhăm để mắt tới mình thôi. Đấy, hắn lại vừa liếc xuống đây đấy, chuồn thôi. Gã vừa dợm người đứng dậy bị ngay nhà thơ kéo xuống :
“ Cậu định đi đâu ? Ở lại dự với anh em chớ, lát nữa tớ sẽ đọc một chùm mới làm. Mà này, cố ở lại đi, cuối buổi sẽ có chiêu đãi bia hơi đấy”
“Tớ phải về… bận chút việc…”
“Thôi đi ông tướng, lại cắm đầu dịch truyện trinh thám chứ gì. Cậu hồi này bắt đầu sa đoạ rồi đấy. Chúng nó bảo cậu quẳng thơ đi rồi, suốt ngày chỉ lo kiếm tiền thôi, đúng không ? “
 Chao ôi, nom nhà thơ loẻo thoẻo thế kia mà đôi tay như hai cái kìm sắt giữ cứng gã trên ghế chẳng còn cựa quậy được.  Gã kêu lên tuyệt vọng : 
“Cậu cho tớ về… tớ bận việc thật mà…”
“Bận cái việc gì ?  Lúc này không có việc gì quan trọng bằng ngồi đây nghe anh em đọc thơ. Này, hôm  nay có cả nữ sĩ Hoài Thu đấy nhé, em vừa khoe là đã làm xong một chùm thơ thể nghiệm, tìm ra được âm điệu mới, báo hiệu trào lưu thi ca hiện đại. Tớ đọc xong là đến lượt nàng đấy. Cậu phải ngồi lại nghe mà mở mắt ra chớ. “
 Gã ngờ vực ngó sang nhà thơ. Quái, sao hắn sốt sắng giữ mình lại thế ?  Hắn muốn mình nghe thơ hắn hay chính hắn là cộng tác viên của lão cảnh sát ? Nếu vậy mình phải chờ tới lúc hắn lên đọc thơ thì mới chuồn được, nhưng trước hết mình phải giả vờ không biết  đang bị hắn theo dõi.
“Cái con mẹ này, đọc thơ mà cứ như ném chữ vào mặt người ta…”
 Nhà thơ Trầm Hoài Tử kêu lên trong lúc vẫn giữ chặt cánh tay gã : 
“ Đấy, ông đã thấy thế nào là thùng rỗng kêu to chưa ? Ay thế mà vô phúc bộ tuyển thơ nào thiếu tên Mộng Kiều là chết, mụ ta sẵn sàng kiện lên trung ương…”
  Lúc này gã mới để ý người đàn bà đang gào thét trước micro :
“ Hãy tiến xa hơn, xa hơn nữa… “, dẫu rằng  thân hình nhỏ thó ngược hẳn cái tên Mộng Kiều đã tiến tới mép sân khấu rồi. Chao ơi, trẻ ham nhà, già ham chùa, bà lão chắc đã có cháu nội rồi, bị ma ám sao đó vẫn cứ hò hét, hùng hổ thế kia ? Nhà thơ Trầm Hoài Tử vạch tay xem giờ,  kêu thất thanh : 
“Thôi chết, con mẹ này lạm giờ của anh em rồi, đã quy định mỗi người đọc ba bài ngắn thôi, mẹ đọc tuốt luốt cả bản trường ca thế kia thì bao giờ mới tới lượt mình. Cậu ngồi đây tớ phải có ý kiến với Ban  tổ chức…  “
Trống ngực gã đập thình thình  khi nhà thơ đã lẻn mất đằng sau sân khấu. Chuồn thôi, mình phải chuồn thôi, gã cứ lầm bầm mỗi câu đó trong lúc vội vã len qua các hàng ghế, thúc cả vào đùi một cô váy ngắn làm cô bừng tỉnh giấc mơ thơ, mắng xối xả vào mặt gã. Cuối cùng gã cũng ra thoát khỏi đám đông đang mê mẩn bởi cơn sốt ngôn từ, bước nhanh qua cổng và cắm đầu chạy thục mạng trong phố vắng. 
                          
                                                   (còn tiếp)
Tagged

0 nhận xét