Open top menu
Thứ Ba, 3 tháng 6, 2014

                                (tiếp theo)

Tác giả : Chào bà ...!
Bà chủ: Ủa ! Ai như là...
Tác giả : Ơ ! Hình như bà là......
Bà chủ : Ới giời ơi ! Té ra là cậu ! Mất biến bao nhiêu năm nay rồi bây giờ mới lại thò mặt ra. Mà tại sao cậu lại biết tôi đã về chỗ này mà mò tới chớ ??
Tác giả:  Ờ ! Cái thằng đó chở tôi đi. Nào ai biết được là nó dẫn đi đâu.
Bà chủ: Hừ! Cậu chả thay đổi gì hết ! Mấy năm nay cậu  làm gì mà mất mặt.
Tác giả : (giương mắt lơ đãng nhìn quanh căn phòng, cố tình không trả lời)
Bà chủ: Phải rồi. Cậu đi đâu, làm gì, tôi biết hết đó. Bây giờ thì cậu còn thiết gì tới ai. Nghe nói vợ đẹp lắm phải không?
Tác giả: Ai nói cho bà biết ?
Bà chủ : Giấu cái gì được với con Hằng. Này, nó oán cậu ghê lắm đó !
Tác giả: Thôi đi. Nhắc lại làm gì chuyện cũ, cũng đã bẩy, tám năm rồi. Ai có cuộc đời của người ấy...
Bà chủ : Thì cũng phải nói chứ. Đâu có phải người dưng nước lã gì. Này, con Hằng nó đã đẻ một đứa con trai đấy.
Tác giả: Ủa !  Cô ấy cũng lấy chồng rồi hả ?
Bà chủ : (nguýt thật dài rồi cong cớn) Chồng con cái nỗi gì. Này ! Nói cho mà biết, con cậu chứ con ai !
Tác giả: Nào, bà lại sắp sửa thêu dệt những chuyện gì đâu...
Bà chủ: Khí gió ! Ai thèm nói dối cậu. Nó có con thật mà! Cậu đi rồi thì nó đẻ !
Tác giả: Vậy thì con ai đấy chứ đâu phải con tôi.
Bà chủ (lục lọi trong một cái ngăn kéo rồi ném lên mặt bàn một cái ảnh) Thằng bé thế này thì có trộn cũng chả lẫn với cái mặt lồi lồi của cậu.
Tác giả: (ngắm nghía) Tôi chả thấy có vẻ gì là giống mình cả..
Bà chủ: Cậu không muốn nhận nó là con nên cái gì của nó mà chả không giống cậu. Nhưng bây giờ thì cậu có muốn cũng chả được !
Tác giả: Thế nghĩa là thế nào?
Bà chủ: Nó mang con cho đi rồi còn đâu.
Tác giả: Ôi chao! Sao mà bất nhân đến thế !
Bà chủ : Có bất nhân bằng cậu không? Đúng vào cái lúc nó mang nặng đẻ đau thì cậu bỏ đi mất biệt!
Tác giả: Ơ hay! Ăn nhằm gì tới tôi ! Chuyện mang nặng đẻ đau là chuyện của cô ấy chứ !
Bà chủ: Mà điều nó nói là nó có mang với cậu. Nhưng thôi, cãi cọ lúc này chẳng để làm gì. Chỉ biết là trong cơn cực kỳ túng quẫn nó đem con cậu cho người ta làm con nuôi rồi.
Tác giả: Sao bà nhẫn tâm cứ cột chết cho tôi như thế nhỉ. Tôi đã nói rồi. Nó chẳng phải là con tôi.
Bà chủ: Ôi dào, tôi đón tay thằng bé tôi còn lạ gì. Cái trán, cái mồm, cái mắt chẳng phải của cậu thì còn ai vào đây. Nhưng thôi, đã bảo nói nữa thì cũng chả làm gì mà. Chuyện cũ qua rồi thì cho nó qua luôn. Cậu có vẻ mệt mỏi đấy. Coi bộ chẳng hạnh phúc có phải không ?
Tác giả: Hằng đâu ?
Bà chủ: Nó không còn ở đây nữa. Sau khi cho thằng bé đi rồi  thì nó ra Trung.
Tác giả (thở dài) Cho tôi một ly nước.
Bà chủ: Mải chuyện thế mà quên đi .Cậu uống gì nào ?
Tác giả : Nước đá lạnh thôi !

Người đàn bà đi ra. Hắn ngồi lại trên chiếc ghế salon bọc đệm đỏ. Trước mặt hắn là bức ảnh của thằng bé để ghếch lên chiếc gạt tàn thuốc lá. Thằng bé như đang cười với hắn. Hắn vội quay đi, nhìn lên bức vách dán chồng chất đủ loại hình ảnh. Có một bức hình minh tinh màn bạc. Đấy là một nữ minh tinh Nhật Bản. Cô ta có cặp mắt giống Hằng y hệt. Cặp mắt gợi lại cho hắn những kỷ niệm ngày xưa. Hắn có cảm giác mệt mỏi như đang vật lộn với chính mình. Hắn nhắm nghiền mắt lại. Nhưng cặp mắt của Hằng lại hiện ra rõ hơn với đầy đủ cả khuôn mặt kèm theo những âm thanh rộn rã vọng lên trong tâm tưởng của hắn. Ôi, tiếng cười của Hằng như còn quanh quẩn đâu đây, chan hòa trong cả bốn góc phòng. Hắn móc túi châm một điếu thuốc lá. Vị thuốc làm miệng hắn bã thêm. Hắn nhón một cái kẹo chanh nằm trong chiếc đĩa trên mặt bàn. Chợt hắn liếc thấy thằng bé trong ảnh như đang nhìn mình. Hai con mắt trong ảnh như có cả một linh hồn. Hắn bỏ cục kẹo vào túi rồi buồn bã cầm bức ảnh giơ lên ngắm. Hắn thấy sự đau xót đang bắt đầu nhen nhúm trong lòng.

Bà chủ:  Tôi nói rồi mà ! Giống lắm phải không? Bán cho cậu đấy !
Tác giả : Hừ, thuở người khôn của khó, bà chủ chẳng tha một dịp nào có thể làm ra tiền .
Bà chủ : Ô hay ! Thì ai bắt buộc cậu đâu. Cậu chả lấy thì tôi giữ làm kỷ niệm!
Tác giả:. Bây giờ thằng bé ở đâu ?
Bà chủ : Ờ, cậu lý đến nó làm gì nữa !
Tác giả: Tôi thấy nó có nhiều nét giống thằng chủ báo hơn là giống tôi.
Bà chủ : Có ai bắt đền bắt vạ đâu mà cứ đổ vạ cho người khác. Trả lại tấm hình cho tôi kẻo nó nát mất.
Tác giả:. Không! Tôi....tôi mua lại. Dầu sao thì..thì cũng là hơi hướng của Hằng đấy chứ.
Bà chủ : Vậy năm tờ thôi !
Tác giả: Ôi trời ơi ! Có mà điên mới bỏ ra năm trăm đồng để mua một tấm ảnh !
Bà chủ : Thì tôi đâu có muốn bán. Bộ cậu tưởng tôi không quý nó sao? Dù sao nó cũng là cháu tôi, tôi cũng đã đón tay nó....
Tác giả: Nó kháu không? Lúc đẻ nó được mấy kí?
Bà chủ : Kháu quá đi ấy chứ. Dễ đến hơn ba kí. Mẹ nó đau đẻ mất hơn hai ngày. Lúc nào cũng réo tên cậu....
Tác giả ( nhăn mặt) Thôi đi!  ( sau một giây ngập ngừng) À! Hằng đặt tên cho nó là gì nhỉ ?
Bà chủ :: Cưng! Nguyễn văn Cưng.
Tác giả: ( tươi mặt) Bố nó họ Nguyễn à ?
Bà chủ: Bố nào? Ở đâu ? Nó lấy họ mẹ đấy. ( mỉa mai) Chẳng ai thèm nhận là bố thì  mẹ nó phải đứng mũi chịu sào chứ sao.
Tác giả: Chịu cái nỗi gì. Nếu đã chịu thì sao còn đem cho. À, mà nó đã đem  cho ai kia chứ ?
Bà chủ : Một người đàn bà nào đó ở trên phố .
Tác giả: Ai đấy? Phố nào ?
Bà chủ : Ôi da! Ai mà biết. Ai mà nhớ. Có khi sang qua sang lại, thằng nhỏ đã trôi giạt tới tận phương trời nào rồi ấy chứ. Đã đem cho thì kể như là đã xong. Hừ! Nghe chừng cậu có vẻ quan tâm đến nó lắm nhỉ. Tôi đã bảo nó là con cậu thật mà!

Hắn không đáp, lẳng lặng móc ví lấy ra một tờ giấy bạc ném lên mặt bàn rồi nhón lấy tấm ảnh. Hắn cũng chẳng hiểu tại sao mình lại chi ra một món tiền cho một việc như thế. Cái đầu của hắn nài nỉ là tấm hình chẳng là cái quái gì hết. Đó chỉ vỏn vẹn là cái cung cách làm tiền thô bỉ của  mụ chủ chứa. Nhưng lương tâm của hắn lại cứ vang vang những tiếng : “ Tôi đón tay nó tôi biết. Cái trán, cái mồm....”. Giữa hai đằng cấu xé, hắn tự thấy nổi giận chính mình. Hắn bóp tấm ảnh đến thành méo mó trong lòng bàn tay xương xẩu. Rồi hắn bước ra ngưỡng cửa. Chỉ một suýt nữa thì hắn liệng tấm hình vào lùm cây tối um tùm trong sân đất. Nhưng nghĩ thế nào, hắn lại thôi. Hình ảnh đôi mắt , nụ cười của Hằng khiến cho hắn bỗng thấy mệt rã rượi. Lại còn thằng bé nữa! Nó vẫn chưa rứt ra khỏi những ý nghĩ lộn xộn trong đầu của hắn. Bây giờ nó ở đâu ? Làm gì? Mỗi một câu hỏi lại như có thêm sức nặng đè trĩu lên tâm hồn hắn. Hắn lê từng bước nặng nề đi ra cổng. Đồng hồ nhà ai trong xóm vừa gõ mười một tiếng.


                              TRONG HẬU TRƯỜNG

Mình sẽ làm lành với anh chàng. Người nữ diễn viên sắm vai Nga nghĩ một mình như thế. Mới hơn một tháng trời xa nhau mà nàng thấy gã như già đi hẳn. Nhất là căn bệnh của gã tăng nhiều. Suốt thời gian ở trên sân khấu nàng nghe thấy tiếng ho của gã húng hắng ở phía dàn nhạc. Chắc hắn buồn và trác táng. Hai người giận nhau từ khi nàng nhận lời đóng một vai trong vở kịch. Gã trả lại nàng những xấp thư kỷ niệm. Gã yêu văn nghệ nhưng gã cấm người yêu hoạt động văn nghệ. Đi vào đó là dấn mình vào chỗ tanh hôi! Gã đã nói với nàng như thế và đã nhận lãnh một cơn lôi đình của nàng nổi lên. Nàng xô gã vào cánh cửa tủ mà cho tới bây giờ nàng cũng không hiểu tại sao mình đã trở nên hung bạo như thế. Hai người xô xát, to tiếng trong căn phòng chật hẹp và bừa bãi của gã. Lần đầu tiên gã đã xé ngay trước mặt nàng chiếc sơ mi lành lặn nhất. Lúc đó nàng không giận mà khinh bỉ. Nàng tháo trả chiếc vòng huyền mà gã mua tặng nàng hồi gã in bản nhạc đầu tay. Gã nhìn nàng tức tối như muốn cấu xé. Bàn tay gã bóp mạnh vào chiếc ly thủy tinh. Nhưng chiếc ly may mắn không vỡ. Nếu máu của gã lúc ấy chảy ra thì biết đâu chẳng là duyên cớ để hai người làm lành với nhau. Điều đó nàng thật sự không muốn. Hắn không thể độc tài đến độ cấm đoán nàng đến với văn nghệ được. Nàng bỏ đi không một lời từ biệt. Khi bước ra khỏi phòng, nàng dập mạnh cánh cửa vào khuôn gỗ. Nàng cảm thấy như mình đã trả thù được hắn, nhưng đồng thời nàng cũng thấy rõ cái thực tế  là cả hai người đã cùng để lộ ra bộ mặt trái của tình yêu. Cái vỏ bọc đường ngọt ngào bấy lâu trong phút chốc đã vụn vỡ để bây giờ bên trong đang tiết ra cái chất cay đắng đến tê điếng cả tâm hồn. Từ bấy đến nay đã hơn hai tháng. Rất nhiều khi nàng thấy nhớ gã. Và cơn nhớ nhung cứ mỗi ngày một đậm đà, sâu lắng và réo gọi nàng trở về với quá khứ. Để bây giờ, đứng trên cánh gà của sân khấu, qua kẽ màn nhung, nàng đã tự nhủ :
- Mình sẽ làm lành với anh chàng.
Nàng dự tính ngày mai sẽ đến thăm gã. Nếu gã còn giận thì gã sẽ nằm quay mặt vào tường. Nàng chưa bao giờ tự ý hôn gã trước cả, nhưng lần này nàng sẽ ôm gã vào lòng và nói rằng nàng vẫn còn yêu gã, rất yêu gã. Kẻ nào thoái lui được trước một người yêu đáng yêu như thế !
Nàng ngẫm nghĩ rồi mỉm cười một mình. Nụ cười của nàng bị nhà Mạnh Thường Quân bắt gặp. Lão toét miệng ra cười góp. Đó lại là một cái cớ để lão tiến lại gần nàng. Suốt buổi trình diễn đêm nay, lão không bỏ một cơ hội nào để đến với nàng. Lão đã quên lời hẹn với thiếu phụ áo đỏ ở nhà riêng. Ngày mai lão dự tính sẽ xin lỗi nàng bằng một lọ nước hoa Chanel.
Nhà Mạnh Thường Quân : Còn một màn nữa. Tôi tin rằng tới chỗ gay cấn này cô mới có dịp trổ tài diễn xuất của cô.
Nàng cười với lão bằng một nụ cười nhạt nhẽo. Rất may, lúc đó nhà đạo diễn cũng tiến lại gần. Nàng nom thấy vẻ mặt sa sầm của vị Mạnh Thường Quân.
Nhà đạo diễn : Thưa ông, khán giả muốn tác giả vở kịch ra trình diện.
Nhà Mạnh Thường Quân: Con khẹc! Hắn mất biến  từ chập tối đến giờ có ai thấy mặt hắn đâu.
Nhà đạo diễn: Vậy thì ông phải ra mà đại diện.
Nhà Mạnh Thường Quân:Tôi, sao lại tôi được nhỉ ?
Nhà đạo diễn: Chứ còn gì! Ông là người bỏ tiền ra dựng kịch mà...
Nhà Mạnh Thường Quân: Tại sao lúc nào ông cũng lôi được cái chuyện tiền vào thế? Ở đây chúng ta chỉ là những người làm văn nghệ. Tôi yêu cầu ông coi tôi là một nhà văn nghệ, không phải là một nhà đại phú..
Nhà đạo diễn: Nhưng giả sử không có cái “đại phú” của ông thì vở kịch cũng chẳng có ma nào thèm biết đến.  Bởi vậy ông có quyền đại diện cho tác giả để chia xẻ với hắn cái sự thành công này.
Nhà Mạnh Thường Quân: Đó là nhã ý của ông đấy thôi. Tôi thì tôi nghĩ chính ông mới là người xứng đáng đại diện cho tác giả.
Nhà đạo diễn: Tôi ? Tại sao lại tôi được nhỉ ?
Nhà Mạnh Thường Quân: Chứ sao! Tác giả hay mà không có đạo điễn giỏi thì cũng vứt đi. Vở kịch có mỹ mãn hay không là chính ở nơi tài nghệ đạo diễn của ông. Tôi nghĩ không còn gì hợp lý hơn như  thế nữa.
Nhà đạo diễn: Ồ!  Bò ! Tôi đã bảo tôi bò thật mà. Trong vở kịch này tôi không đóng góp được gì hết . Ông đừng nói nữa làm tôi ngượng.

Vừa nói, gã vừa vùng vằng bỏ đi. Gã tự nghĩ mặc kệ xác chúng nó là hơn . Hò hét từ chập tối, gã thấy mình lố bịch. Đáng lẽ gã chỉ nên chui vào một xó đánh một giấc ngủ khoèo là hơn hết cả. Ý nghĩ ấy  làm gã  hài lòng, gã tiến tới căn phòng xép ở mãi tận mé sau hậu trường. Có tiếng người vọng ra, gã vội đứng lại.


                               (còn tiếp)

0 nhận xét