Open top menu
Thứ Năm, 12 tháng 6, 2014


              
                           Hội nghị Hà nội – 3-2006

                “Địch” đã đánh vào “tung thâm” rồi, sao còn    
                                                                ngồi yên ?

                                                 ( tiếp theo)

Mấy năm qua chứng kiến sự sụp đổ của các thứ lý thuyết Mác Lênin trong văn hoá văn nghệ, của “ chủ nghĩa Mác và đề cương văn hoá Việt Nam” do ông Trường Chinh vạch ra làm “ kim chỉ nam” cho văn nghệ sĩ, sự tan rã của phương pháp sáng tác hiện thực xã hội chủ nghĩa với yêu cầu nghiêm ngặt về tính Đảng, tính giai cấp , tính dân tộc…ông Giáo sư đã la hoảng và gọi đó là một “sự khủng hoảng tổng thể”:” Mà khủng hoảng ở đây rõ ràng không chỉ trong lý luận về văn hoá , văn nghệ. Nó sẽ là khủng hoảng tổng thể”.
Ông Giáo sư lo rằng một khi xảy ra khủng hoảng tổng thể về lý luận thì tất yếu “sẽ làm xáo trộn thực tiễn  - thực tiễn không chỉ của đời sống văn hoá – văn nghệ  mà là thực tiễn xã hội…” Và ông lo lắng cảnh báo :
Xáo trộn thực tiễn xã hội sẽ đưa đến hậu quả gì ?”.
Tất nhiên sẽ là một cuộc cách mạng “màu vàng”, “mầu da cam”…mà ông Giáo sư đã tiên đoán sẽ “ thấm đẫm không chỉ nước mắt, mồ hôi mà cả máu…”.
Tóm lạiông Giáo sư lo rằng “ kinh sách” một khi đã hết thiêng thì giáo đường bị đập phá và cha cố cũng sẽ bị đuổi cổ. Bởi thế ông mới kêu gọi :
Chặn đứng khủng hoảng lý luận . Đó là nhiệm vụ sống còn của của tất cả chúng ta hiện nay…”
Một nhà quán quân “bảo vệ Đảng” ở Sàigòn khác là GS Trần Thanh Đạm, người cách đây hơn một năm đã nổ phát súng đầu tiên vào uy tín chính trị của ông trùm văn nghệ Nguyễn Khoa Điềm cũng có tham luận đả phá nặng nề lý thuyết “ văn học tự vấn” của nhà văn Nguyên Ngọc :
“Tưởng là sản phẩm bột phát nhất thời của một sự đổi mới“ cực đoan, nông nổi trong văn học; cái gọi là “văn học tự vấn“ đã bị vứt vào sọt rác của sự lãng quên, giống như một thứ mốt“ được lăng xê“ vào các thời điểm khủng hoảng tinh thần của xã hội nay đã không còn hợp mốt“ nữa; song thời gian gần đây, tác giả của nó cùng với những người phụ hoạ theo hình như lại tìm cách làm sống lại cái thây ma lý luận đó, cốt làm cho bốc mùi“ cái không khí văn học vốn đã trở nên trong lành hơn từ khi bước vào đầu thế kỷ XXI…”
Ong Trần Thanh Đạm cho rằng ông Nguyên Ngọc đã làm cái việc “ các thứ văn học chuyên miêu tả cái ác, cái xấu, thậm chí cái tục tĩu, thô bỉ trong đời sống và cả trong lịch sử của chúng ta đều được xếp vào dòng văn học tự vấn“  và cáo buộc ông Nguyên Ngọc đã đưa ra quan điểm “ đại khái xã hội ta, dân tộc ta (và trong thâm ý không dám nói ra của nhà bình luận này – đảng ta) vốn mắc nhiều tội lỗi, sai lầm, bê bối… cần bằng văn học, qua văn học mà “tự vấn“ lương tâm về những sai lầm của mình. “
Thực ra ông Nguyên Ngọc cũng chưa nói gì nhiều về luận thuyết “ văn học tự vấn” của ông, mà mới chỉ lớt phớt qua vài bài viết, nhất là về truyện ngắn Nguyễn Huy Thiệp và “Bóng dè” của Đỗ Hoàng Diệu, vậy mà ông Giáo sư Nguyễn Thanh Đạm đã vội đao to búa lớn kết tội một cách tuỳ tiện :
“ nó chỉ thò lò hai mặt“ lấp lửng nửa nạc, nửa mỡ, nửa trắng, nửa đen cùng một dạng với các thủ đoạn chiến tranh tâm lý mà bọn thù địch của chúng ta ở nước ngoài trước nay vốn vẫn sử dụng, bây giờ lại chuyển giao kỹ thuật“ cho một số kẻ cơ  hội và manh tâm ở trong nước…”
Từ chuyện văn chương, ông Trần Thanh Đạm trắng trợn đẩy sang chuyện chính trị và tới tấp úp mũ cối lên đầu nhà văn Nguyên Ngọc :
“Cứ nhìn xem những ai là kẻ phụ hoạ nó, khuyến khích, cổ vũ nó, thì có thể thấy ngay nó đến từ đâu và phục vụ cho ai. Thực sự thì nó không hề che giấu cái động cơ và mục tiêu chính trị của nó, khi tự nguyện làm một bè trong dàn đồng ca phản cách mạng, phản dân tộc, trong ngoài hô ứng lẫn nhau. Tác giả của thứ lý luận này đã từng công du“ đi tìm đồng minh ở hải ngoại. Không những anh ta thuyết giảng ở đó về văn học tự vấn“ của mình mà còn chịu khuất thân chịu tra tấn“ của những kẻ phỏng vấn mà có giọng điệu giống như một sĩ quan chiêu hồi của chế độ cũ, trước một kẻ cam tâm chiêu hồi trước đây, phải tự vấn“, tự thú“ về thân thế và thành tích ái quốc và cách mạng” trước ông chủ mới…”
Thật là một giọng điệu sắt máu chẳng khác gì mấy anh bồi bút Vũ Đức Phúc, Như Phong, Tô Hoài….đánh Nhân văn- Giai Phẩm ngày xưa. Chỉ riêng ba ông Giáo sư “ mác xít đến chiều” của TP Hồ Chí Minh cũng đủ thổi vào Hội nghị lý luận, phê bình  văn học nghệ thuật toàn quốc một không khí răn đe, khủng bố dễ làm nhụt tinh thần các nhà văn chết nhát.
Trong không khí phê phán chủ nghĩa Mác-Lênin nhân tháng góp ý cho văn kiện Đại hội Đảng , tất nhiên cũng có những ý kiến ngược , thoát ly hẳn lối “lý luận” xám xịt và cũ rích của phe bảo thủ.
Giáo sư Trần Đình Sử đã tách bạch “phê bình lý luận văn học” từ năm 1945 tới 1986 là “hệ hình mác xít”, “dựa trên lý thuyết phản ánh vốn là sản phẩm của thế kỷ XIX, trong đó văn học, nội dung, hình thức , phương pháp sáng tác, tính chân thực, thể loại …đều được xét …phù hợp hay không phù hợp theo một hệ thống thế giới quan nhất định. Chức năng văn  học chủ yếu là nhận thức, giáo dục và thẩm mỹ… Văn học là công cụ của đấu tranh xã hội …do đó nội dung tư tưởng chính trị quan trọng hơn cả tính nghệ thuật…chỉ có nhân vật chính diện , tiên tiến thuộc tầng lớp công nông binh mới là nhân vật chủ đạo của văn học thời đại”.
Kết luận về thứ lý luận phê bình “của đảng” này, Giáo sư  Trần Đình Sử huỵch toẹt :
quan niệm lý luận về nội dung và hình thức như thế đã lỗi thời , không thấy được thực chất đặc trưng của văn học nghệ thuật…”
Thay thế cho “hệ hình macxít” đó, ông Giáo sư nới tới hệ hình “đổi mới” từ sau năm 1985, trong đó “ văn học trước hết là biểu hiện và tưởng tượng sáng tạo…Nội dung văn học không đóng khung trong quan điểm chính trị mà thể hiện trong toàn bộ kinh nghiệm sống, bao gồm mọi mặt văn hoá xã hội tâm linh, vô thức, lý tính và phi lý tính…”.
Ong Giáo sư còn đi xa hơn khi gán cho vai trò làm tan rã một ý thức hệ của văn học :
văn học có một nguồn năng lượng bất kham có thể làm rạn nứt hệ thống hình thái ý thức đã có và góp phần kiến tạo hệ ý thức mới…”
Hình thái ý thức đã có” chẳng phải cái gì khác mà chính là hệ tư tưởng mácxit – lêninnít vẫn được coi là chính thống tại nước ta hiện nay. Từ “lý luận chung”, ông Trần Đình Sử quy về những vấn đề trong thực tiễn :
hình như cái gì ta cũng biết, cũng nói , song chẳng có gì là hiểu sâu, hiểu đến nơi đến chốn. Lý luận trên báo chí phần nhiều là chỉ nói theo, nói leo mà thôi…nhiều  cán bộ quản lý do được đào tạo từ trước đổi mới , tư duy của họ vẫn còn nguyên như cũ…”
Giáo sư Phong Lê thuộc “phe đổi mới” cũng khẳng định :
Văn học đã chuyển sang một giai đoạn mới, mang một chất lượng mới , trên một sơ sở cảm hứng mới về nghệ thuật, trên một quan niệm nghệ thuật mới về con người …”
Giáo sư Nguyễn văn Hạnh cho rằng :
Dù là nói chuyện thường ngày, chuyện tầm thường, bụi bặm, văn học nghệ thuật không bao giờ bằng lòng với thực tại, với cái đang có mà luôn tìm tòi , khát khao vươn tới cái nên có, người hơn, đẹp hơn…”
     Hai phe “bảo thủ” và “đổi mới” “chọi nhau” trong Hội nghị và xem ra vẫn chẳng tiến xa hơn ba cái Hội nghị lý luận , phê bình từ mấy năm trước.
Thế còn các nhà quản lý ? Các nhà lãnh đạo văn học nghệ thuật có quan điểm thế nào trong tình hình hiện nay ? Nhà thơ Hữu Thỉnh, Phó Chủ tịch Hội đồng lý luận phê bình văn học nghệ thuật trung ương trong bài đề dẫn đọc tại Hội nghị thừa nhận :
“ từ đầu những năm chín mươi đến nay thực trạng phê bình văn học nghệ thuật đang trở thành mối quan tâm lo lắng …thực trạng đó không chỉ trầm lắng mà còn bộc lộ khá nhiều vấn đề đáng quan tâm…”.
Một trong những vấn đề đang lo nhất chính là “ bảng giá trị “ đang bị xáo trộn vì thiếu những chuẩn mực :
”Thực tế chúng ta đang thiếu một hệ thống chuẩn mực lý luận, một tiêu chí đánh giá , thiếu một hệ giá trị tin cậy làm thước đo kiểm định tác phẩm văn nghệ…”.
Còn ông trùm văn hoá văn nghệ Nguyễn Khoa Điềm, Trưởng ban tư tưởng văn hoá, Chủ tịch Hội đồng lý luận trung ương mặc dầu nghe nói Đại hội tới ông bị giành mất cái ghế ông đang ngồi nhưng khi tổng kết hội nghị ông vẫn lớn tiếng :
xây dựng một nền lý luận văn nghệ mácxit  Việt nam thực sự tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc…”
Ý kiến tổng kết của ông Nguyễn Khoa Điềm  chẳng qua là nhắc lại những ý kiến trong dự thảo văn kiện Đại hội Đảng. Điều đó cho thấy khó mà có một sự thay đổi đáng kể nào trong Đại hội X tới.      
                                             (còn tiếp)
              
   NT
     



0 nhận xét