Open top menu
Thứ Sáu, 2 tháng 8, 2013




                                       (tiếp theo)



Bác Ba Phi nghe hai người bàn loạn tới tấp về pháp luật Việt Nam  ù cả tai , hoa cả mắt.

Quái, không lẽ pháp luật Việt Nam lại “rởm” vậy sao ?

Thực ra trước nay, bác Ba Phi chẳng quan tâm tới những chuyện ”trào  đình” vậy. Quanh năm chẳng bén mảng tới Uỷ ban xã trừ khi làm giấy chứng minh, sổ hộ khẩu, sao y giấy tờ đất. Nhà “hành pháp” cụ thể trong mắt bác là ba anh cảnh sát giao thông lúc nào cũng lom lom  nhìn người đi đường biên giấy phạt nhét tiền…vô túi. Ngoài ra Uỷ ban làm gì, Đảng uỷ làm gì, Hội đồng nhân dân làm gì…bác đâu quan tâm. Thời nào cũng vậy, thời ông Thiệu ngày xưa cũng như thời ông cộng sản bây giờ, mặc kệ mấy cha muốn “quậy” sao quậy , miễn để dân làm ăn sinh sống. Dân làm loạn chẳng qua do mấy cha động tới nồi cơm người ta . Chẳng hạn ở quê nhà, nếu không bị chính quyền cướp đất thì dân đâu có  rùng rùng khiếu kiện, biểu tình. Pháp luật nào cũng vậy , động tới túi tiền  dân thì dân phải quậy, còn không mặc xác mấy ông chính quyền làm hươu làm vượn gì làm.

Chỉ ở bên Mỹ này, nhất nhất cái gì cũng xếp vào khoản này khoản kia, nào bạo lực gia đình, nào bảo vệ súc vật, nào bảo hiểm, nào thuế má đủ thứ…rắc rối vậy người ta mới quan tâm tới pháp luật.

Sau khi xem ca nhạc, chị Kelly Thi còn lôi đi đãi ăn nhà hàng cơm tàu nữa, nên mãi sáng hôm sau bác Ba Phi mới về nhà cô Uùt. Lúc chia tay cả ba đều quyến luyến . Chị Kelly Thi dặn dò :

“ Bác về nhà cô Út vài ngày thấy buồn  “phôn” cho em đánh xe đón  đi chơi…”

“Lão già” cũng bịn rịn :

“ Ông về vài ba ngày rồi quay lại tôi đưa đi thăm vùng mấy năm trước bà con bị bão Katrina ở Louisana đó…”

Bác Ba Phi hứa đại cốt dứt ra về nhà cô Ut. Ôi chao , vậy mà đã lang thang với “lão già” 10 ngày rồi . Thật đúng đi ngày đàng, học sàng khôn, trở về nhà cô Ut bác thấy dày dạn hẳn cứ y như  người nhập cư có thẻ xanh chứ không còn lớ ngớ như mấy ngày đầu chân ướt chân ráo  nhìn đâu cũng lạ , nhìn đâu cũng thấy háo hức tò mò. Cô Ut nhìn thấy bố chẳng vui mừng thì chớ lại  dỗi :

“ Sao tía không đi nữa đi…sang đây thăm con thăm cháu mà cứ đi biền biệt vậy ?”

Bác Ba Phi nghĩ mình cũng có lỗi nên cười trừ :

“ Thì tao thấy bọn bay cũng cứ đi tối ngày, chẳng lẽ tao cứ ru rú xó nhà…”

Cô Út  rền rĩ :

“ Oh My God…ở nhà bao nhiêu là thứ giải trí. Nào là “cable tivi“ có cả hàng trăm channell tía muốn coi gì coi, rồi lại cả đống DVD bao nhiêu phim Hồng Kông, Đài Loan, Hàn Quốc rồi cả Thuý Nga Paris mang chiếu trên màn hình đại vĩ tuyến LCD  tía coi cả ngày cũng không chán. Rồi thì hồ bơi đó, lúc nào thích cứ nhảy xuống mà vùng vẫy, chán rồi mở tủ lạnh lấy tôm, đùi gà, cua , cá đông lạnh …cho vào oven mà nướng nhậu lai rai, thích nữa thì tía ăn gỏi cá sushi Nhật Bổn chấm với “mù tạt”…Rồi cả một tủ rượu đó, rượu whisky, rượu Hennessy, rượu  vang…muốn uống gì uống. Oh My God…bao nhiêu thú vui mà tía bảo ở nhà không có gì nên buồn chán là sao ?”

Bác Ba Phi bị “bắn” tới tấp đành cười gượng :

“ Xem gì thì xem, ăn gì thì ăn, uống rượu gì  uống nhưng không có bạn, mỗi mình thì cũng buồn chứ sao ?”

Cô Ut nhăn trán suy nghĩ :

“ Vậy để con mời một ông già đã hưu tới làm bạn với tía cho vui nhé ?”

Bác Ba Phi lúng túng :

“ Cái đó…cái đó sao biết được…còn phải gặp coi sao, có hạp không đã. Đã nói người già khó tính, nếu khỏng hạp sống với nhau còn hơn địa ngục…”

Cô Ut bật cười :

“ Thôi được…mai mốt con mời bác ấy tới cho tía nhận xét. Nếu hai ông hợp nhau thì ở lại , còn không con lại đưa về đâu có sao ?”

Từ nãy bác Ba Phi cứ canh cánh định hỏi vay 3000 USD cho vợ chồng thằng Đậu nhưng  cô Ut xài xể quá ngại chưa nói ra. Giờ nghe nói sẽ đưa bạn già tới bầu bạn cho vui nên bác Ba Phi vội lấy lòng con gái :

“ Nếu có bạn già cùng nhậu nhẹt, coi phim, trò chuyện thì còn gì bằng…”

Cô Ut vui vẻ :

“ Vậy thì very good…tiá cứ ở nhà khỏi đến nhà người ta như tuần rồi. Mai con đưa ông già tới…”

Lợi dụng cô Ut vui vẻ, bác Ba Phi gợi ý :

“ Mấy hôm nay tía nhận được điện thoại vợ chồng thằng Đậu…”

Cô Uùt cau mày :

“ Vợ chồng nó sao mà gọi điện sang Mỹ được. Nó biết số điện thoại của con đâu ?”

Bác Ba Phi cười thẹn thùng :

“ Là tía gọi chứ không phải vợ chồng nó…”

Cô Uùt chen ngang :

“ Chắc đòi tía về trông nom nhà cửa chứ gì. Tía mới sang đây được 3 tuần chứ mấy. Chưa được một tháng mà…”

Bác Ba Phi vội vàng  :

“ Không không…nó không đòi tía  về nó chỉ…nó chỉ hỏi thăm con…”

Cô Uùt cười  nhạt :

“ Hỏi thăm con…hỏi thăm cái gì kìa….”

Bác Ba Phi đánh liều, huỵch toẹt :

“ Nó hỏi vay tiền con…nó đang cần lắm…”

Cô Uùt kêu lên :

“ Con biết ngay mà…vợ chồng thằng Đậu mà hỏi đến con thì chỉ có chuyện vay tiền hay nhờ cậy chuyện này chuyện kia …”

“ Thì nó là con cháu trong nhà…khi cần ngoài con ra nó biết trông cậy ai. Con là Việt Kiều mà, dầu sao cũng có điều kiện hơn tụi nó …”

Cô Ut trợn mắt :

“ Vậy cứ Việt kiều là sẵn tiền ? Tía sang đây thấy tụi con đi làm đầu tắt mặt tối thế nào rồi chứ . Kiếm được đồng tiền đâu có dễ , cũng phải đổ mồ hôi sôi máu mắt chứ tưởng dễ ?”

Bác Ba Phi thở dài im lặng. Kiểu này khó rồi đây. Cô Ut nói vậy sức mấy cho vợ chồng thằng Đậu vay tiền. Thôi cứ cho nó cầm sổ đỏ ra ngân hàng nông nghiệp vay phứt cho rồi. Chứ để chậm, lỡ ra không có tiền mua thức ăn, cả bè cá nó chết mới thật tai hoạ. Bác khẽ khàng :

“ Thì thôi, con không cho nó vay thì thôi. Để tía liệu cách khác vậy…”

Cô Ut giương mắt nhìn :

“ Nó muốn vay bao nhiêu ?”

Bác Ba Phi mừng khấp khởi :

“ Kể ra với người trong nước thì to nhưng với con thì chẳng bao nhiêu. Nó chỉ vay 3000 đô la thôi…”

Cô Uùt kêu to :

“ 3000 USD mà tía bảo chẳng bao nhiêu. Cả một tháng lương chồng con đó…”

Bác Ba Phi cười  như mếu :

“ ừ thì một tháng lương . Con có cho nó vay được không ?’

Cô Ut sầm mặt :

“ Mà nó vay làm gì kia chớ ? Liệu có sinh lời không lại mất luôn cả vốn rồi lấy gì mà trả ?”

Bác Ba Phi đành phải nói chuyện hầm cá ba sa nuôi đã quá lứa mà không bán được, mỗi ngày mất cả mấy trăm ngàn tiền thức ăn, giờ đã hết tiền, chỉ dám cho cá ăn cầm chừng, nếu không cứu kịp thì đàn cá chắc chết. Cô Út cau mày :

“Con còn lạ gì thằng Đậu...nhậu tối ngày rồi đề đóm. Tiền bao nhiêu cho đủ. Tía coi chừng tụi nó ba xạo đó...Nuôi cá đã ký hợp đồng bao tiêu với nhà máy rồi, không mua lấy đâu nguyên liệu sản xuất ? Vô lý...”

Bác Ba Phi giải thích :

“ Tại vì mùa khô điện cúp liên miên, không chạy máy được nên nó không mua cá nữa...”

Cô Út chưa tin :

“ Vậy sao không mang ra chợ bán. Không xuất khẩu được thì bán cho người trong nước ăn  cũng được chứ sao ?”

Bác Ba Phi rên rỉ :

“Chèn đéc ôi, nó nuôi cả tấn cá chứ có phải dăm ba ký đâu mà mang ra chợ bán.Thôi con có tiền cho nó vay nóng cứu hầm cá .”

Cô Út lắc đầu :

“ Tiền con để trong băng chứ đâu có sẵn . Nhưng cho nó vay rồi biết chừng nào nó trả ?”

Bác Ba Phi vui vẻ :

“ Con yên tâm đi...chừng nào tới mùa mưa, hồ nước thuỷ điện đầy , máy phát điện làm việc, nhà máy chế biến thể nào cũng phải hỏi mua tới cá  thằng  Đậu. Lúc đó nó bán được bộn bạc dư tiền trả cho con..”

Cô Út kêu lên :

“ Oh My God...vay mượn phải có kỳ có hạn, từ ngày nào tới ngày nào...Đâu có  ngửa mặt chờ trời như vậy ?”

Bác Ba Phi ngơ ngác :

“ Sao lại ngửa mặt chờ trời ?”

Cô Út gắt:

“ Thì đó...phải chờ mưa xuống, nhà máy thuỷ điện phát điện, nhà máy chế biến thuỷ hải sản làm việc . Lúc đó thằng Đậu mới bán được cá có tiền mà liệu nó có chịu trả nợ không hay là lại khất lần để nuôi vài lứa cá nữa.”

Bác Ba Phi lắc quày quạy :

“ Không không...tía cam đoan khi bán được cá vợ chồng thằng Đậu sẽ trả tiền con ngay...”

Cô Út càm ràm :

“ Tía sao cam đoan được ? Tía có tư cách pháp nhân để bảo lãnh nợ cho thằng Đậu không ?”

Bác Ba Phi ngơ ngác :

“ Tư cách pháp nhân bảo lãnh nợ là sao ?”

Cô Út giải thích :

“ Là tía có tiền gửi trong account nhà băng, hoặc có cổ phiếu chứng khoán, hoặc là có tài sản đã được kiểm toán định giá...Phải có cái đó tía mới đủ tư cách pháp nhân bảo lãnh vay nợ được  ..”

Bác Ba Phi rền rĩ :

“ Chèn đéc ôi...phức tạp vậy kia à ? Nhưng mà người trong nhà cho nhau vay thì cần gì phải thủ tục giấy tờ phức tạp đến vậy ?”

Cô Út bật cười :

“ Tại tía ở Việt Nam luật pháp ấm ớ, à uôm, nói ngược cũng được, nói xuôi cũng được nên người dân cứ giao dịch bừa chẳng coi luật pháp  là cái đinh gì. Bởi vậy mới sinh tranh chấp, đâm chém nhau, xã hội mới loạn. Ở bên này pháp luật nghiêm minh nhất nhất cái gì cũng phải tuân theo các điều khoản cả, nhất là việc vay mượn nhau...”

Bác Ba Phi cố vớt vát :

“ Nhưng vợ chồng thằng Đậu là con cháu trong nhà...mà nó cũng chỉ vay có 3000 đô la thôi, với con có nhiều nhặn gì đâu ?”

Cô Út cãi :

“ Con cháu trong nhà khi vay mượn nhau cũng phải ra Toà làm giấy chứng nhận. Sau này nếu xảy ra chuyện giựt nợ thì đã có toà xử. Xã hội văn minh phải vậy chớ. Cứ nói miệng với nhau vay mượn cả mấy ngàn đô la đâu có được ?”

Bác Ba Phi thở dài :

“ Thì tía làm giấy vay cho nó, có vay miệng đâu ?”

Cô Út lắc đầu :

“ Nó vay tiền thì nó phải ký giấy. Nó đang ở Việt Nam sao mà bay sang ký giấy ? “

Bác Ba Phi kêu lên :

“ Thì tía ký thay nó...”

Cô Út lắc đầu :

“ Thằng Đậu nó vay thì nó phải ký chứ sao tía ký thay nó được ?”

Bác Ba Phi nóng mặt :

“ Nếu con không cho vợ chồng thằng Đậu vay thì cho tía vay vậy ?”

Cô Út giãy nảy :

“ Không được, ai lại con gái cho bố vay tiền ? Làm vậy con mang tội bất hiếu  ?”

Bác Ba Phi cười nhạt :

“ Tía cứ tưởng ở bên Mỹ này văn minh, bố vay tiền con cũng được chứ sao ?”



                                   (còn tiếp)

0 nhận xét