Open top menu
Thứ Ba, 23 tháng 7, 2013




                                   (tiếp theo)




Buổi biểu diễn bắt đầu. Bác Ba Phi trố mắt nhìn . Chèn đéc ôi , cha sinh mẹ đẻ chưa bao giờ  thấy những cảnh tượng rực rỡ, tráng lệ đến vậy. Cũng những ngai vàng, những bậc rồng, những xiêm y cung nữ, những ngự bào, những quan văn quan võ...mà cứ y như thực vậy . Chẳng bù  ở  nhà, thỉnh thoảng hát bội, cải lương về xóm dựng rạp đàn hát ầm ĩ, trẻ con bu đầy ; bác cũng đi coi nhưng sao bằng được thế kia. Đèn đóm  chạy máy nổ vàng khè, micrô rột rẹt, bục bệ đơn sơ, đào kép xiêm áo cũ xì, hom hem hốc hác. Cũng tuồng tích ấy, cũng lời ca điệu hát ấy mà chèn đéc ôi...sao ở đây người ta diễn nguy nga, hoành tráng hút hồn vậy. Bác cứ trố mắt, giỏng tai nghe quên phứt xung quanh.

Sang phần tân nhạc, kèn trống ỏm tỏi một dây các cô bên trong mặc hai mảnh, bên ngoài khoác hờ một mảnh toan mỏng chạy ùa ra dang tay dang chân vây xung quanh cô váy yếm đỏ rực được hai chàng trai lực lưỡng đóng khố công kênh lên cao, xoay tít rồi đặt xuống cho cô cất giọng hát . Quái, không thấy cô ta cầm mi-cờ- rô nhỉ ? Không giống ở quê , bất kỳ ai dù hát hay nói đã lên sân khấu đều cầm cái mi-cờ-rô to tổ chảng. Khán giả vỗ tay rào rào . Ở đâu đó có tiếng huýt gió . Cả khán phòng như đang nhập đồng. Chị Kelly Thi quay sang bác Ba Phi vui vẻ :

“Bác có biết cô này không ? Ca sĩ Sàigòn mới sang đấy...”

Bác Ba Phi giật mình, trố mắt :

“ Ca sĩ Sàigòn ? Ca sĩ Sàigòn sao ăn mặc hở hang quá vậy ?”

Chị Kelly Thi cười cười :

“ Thế bác tưởng người Sàigòn ăn mặc kín đáo hả ? Xưa rồi cụ, mấy cô thuộc loại sao bây giờ còn “quậy” tưng bừng hơn cả ca sĩ ngoài này ấy chớ ? Bởi vậy cát xê của mấy cô mới cao ngất ngưởng ...”

Bác Ba Phi phân vân :

“ Không biết ra đây biểu diễn vậy khi về nước có bị phê bình kiểm điểm không ?”

Chị Kelly Thi ngạc nhiên :

“ Múa hát nhạc tiền chiến có gì phải kiểm điểm ?”

Bác Ba Phi lúng túng :

“ Là tôi nói vậy thôi. Lúc nãy khi mới mở màn tôi thấy cái cô ca sĩ Sàigòn này  cũng đứng nghiêm chào cờ Mỹ với cờ vàng ba sọc đỏ đấy...”

Chị Kelly Thi bĩu môi :

“ Oh My God...chuyện đó có gì, nhỏ quá mà..Nhập gia tuỳ tục chớ. Không lẽ sang đây lại đòi chào cờ đỏ sao vàng ?”

Bác Ba Phi lắc đầu :

“ Tất nhiên không ai cho cổ chào cờ đó rồi, nhưng chào cờ vàng cán bộ trong nước nó biết thì cũng nguy. Tốt hơn hết nên tránh ...”

Chị Kelly Thi cười nhạt :

“ Tránh đi sao kiếm được tiền. Muốn kiếm được nhiều tiền phải sán vào đó chớ lảng ra ai  cho cô hát ? Nhưng nói vậy thôi. Tôi chưa thấy cán bộ trong nước bắt lỗi cô ca sĩ nào chào cờ vàng . Chắc mấy cha chưa biết đó thôi...”

“Lão già” lúc này mới quay :

“ Mấy cha trong nước sao biết mà làm lơ hay không . Chào cờ có phải tiết mục biểu diễn đâu. Ai đứng đâu cứ đứng đó, bụng dạ nghĩ sao có ma biết . Có khi đứng nghiêm đó, mắt dán vào cờ nhưng đầu óc tận đẩu tận đâu, ai kiểm tra ?”

Trên sân khấu bắt đầu diễn nhạc cảnh anh lính cộng hoà chia tay người em gái hậu phương  ra chiến trường. Cái cảnh này ngày xưa từ thời trước 1975 bác Ba Phi đã được coi diễn trên sân khấu. Bẵng đi mấy chục năm tưởng nó đã chìm mất vào quá khứ ngờ đâu hôm nay bác ba Phi lại được coi  ngay trên đất Mỹ. Chỉ có điều ngày xưa, coi cảnh này bác thấy xúc động lắm. Trên người anh lính cộng hoà dường đang vương mùi khói súng, người em gái hậu phương diễn xuất trong tâm trạng chia ly, phấp phỏng thực sự. Bây giờ cũng cảnh chia ly ấy đang diễn ra trên sân khấu, nhưng bác Ba Phi chẳng thấy xúc động chút nào. Phần vì nó đã lùi quá xa vào quá khứ, phần vì quần áo anh lính cộng hoà và cô gái hậu phương dẫu có mầu rêu và mầu nâu sồng nhưng nom vẫn còn sang trọng quá khiến nhìn biết ngay là của giả. Lại thêm lời ca và tiếng nhạc được thể hiện qua âm thanh điện tử nên dường như đã mất hương đồng cỏ nội vào thời chiến tranh.

Chị Kelly Thi bất chợt vỗ vai bác Ba Phi :

“ Kìa kìa...bác có nhận ra ai không ?”

Bác Ba Phi lắc đầu :

Chị Kelly Thi cười hóm hỉnh :

“ Cô ca sĩ Thanh Tâm nổi tiếng Sàigòn đó...Oh My God...cô lột tả vai người em gái hậu phương chia tay anh lính cộng hoà mùi mẫn chưa kìa. Phen này quay lại Sàigòn nó thu hộ chiếu đừng hòng xuất ngoại biểu diễn..”

“ Lão già” trề môi :

“ Sức mấy...nó đút phong bì cho có mà đóng “thiên nga” bắn chết Việt cộng cũng chẳng hề hấn gì .Như  nữ diễn viên Bạch Tuyết đấy. Ngày xưa ký tên cả vào quả bom Mỹ ném xuống miền Bắc mà cách mạng về sau năm 1975 đâu có sao đâu ? Được anh Năm, anh Sáu...”đỡ” đầu rồi chắc “đỡ” cả mình nữa . Sau này vẫn là nghệ sĩ ưu tú, “cải lương chi bảo” lại được cấp cả bằng tiến sĩ nữa đó...”

Bác Ba Phi tròn mắt :

“ Còn có chuyện đó nữa kìa. Mà dân chúng sao biết được chuyện cung đình. Cứ thấy cổ ca mùi mẫn là vỗ tay rần rần, đâu ai để ý chuyện trăng sao gì ở trên trời...”

Chị Kelly Thi lại cười :

“ Bởi vậy mấy cô ca sĩ Sàigòn sang cũng biểu diễn búa xua có khi cả màn chống cộng, tố cộng cũng đâu có sao ? Thời buổi kinh tế thị trường có tiền mua gì chẳng được ...”

Vừa lúc đó “lão già” đập vai chị Kelly Thi chỉ tay hàng ghế trước nói nhỏ :

“ Nhìn kìa...”

Bác Ba Phi căng mắt nhìn mà chẳng thấy gì. Bác thắc mắc :

“ Chuyện gì đó...”

Lão già nhỏ giọng :

“ Bác không nhìn thấy gì à ? Thằng cha kia nó đang cầm máy quay phim quay lén các tiết mục trên sân khấu kìa...”

Bác ba Phi ngạc nhiên :

“ Quay vậy đâu có sao ?”

“Lão già” trợn mắt :

“ Sao lại không sao ?”

Rồi “lão già” giảng giải cho bác Ba Phi về bản quyền. Các buổi biểu diễn ca nhạc thế này rồi sẽ được nhà sản xuất thu vào đĩa DVD bán rộng tãi khắp thế giới. Bởi vậy họ sợ nhất buổi biểu diễn bị quay lén rồi sản xuất thành đĩa tung ra thị trường trước cả nhà sản xuất nên quy định bất kỳ ai vào khán phòng cũng tuyệt đối không được mang theo máy quay phim . Bác Ba Phi gật gù :

“ Hoá ra là vậy. “

Bác nhìn anh chàng ở hàng ghế trên đang cầm một cái máy quay phim nhỏ xíu bí mật giương lên sân khấu. Mọi người xung quanh ai nấy đều đang gián mắt vào cảnh đang diễn nên không ai để ý. Bác nhìn thấy “lão già” ghé tai chị Kelly Thi thì thào chuyện gì đó nghe không rõ chỉ thấy chị này gật gật ra vẻ đồng tình lắm. Sau đó chị Kelly Thi đứng dậy xin lỗi mọi người đi ra ngoài.Chắc chị ta đi vệ sinh, bác Ba Phi nghĩ vậy rồi đứng dậy né người cho chị Kelly Thi bước ra.

Lát sau, chị Kelly Thi quay lại ghế ngồi, ghé tai “lão già” nói nhỏ :

“ Xong rồi…”

Bác Ba Phi giật mình, quái, chuyện “đi vệ sinh” cũng phải báo cho người khác biết sao. Không thấy ”lão già” nói gì, chỉ thấy lão gật gật, mắt vẫn chăm chú nhìn lên sân khấu. Lúc này hai MC , một nam một nữ, rất nổi tiếng đang bàn thảo đề tài “tuổi yêu” của đàn ông và đàn bà khác nhau ra làm sao . Thỉnh thoảng khán giả lại rộ lên những tràng vỗ tay và cười ầm ĩ làm bác Ba Phi nhớ lại hồi còn nhà cũng đi coi sân khấu hài “ Những người thích đùa”.

Một lần cả bác lẫn vợ chồng thằng Đậu đi coi vở diễn một ông cán bộ cao cấp về hưu nổi tiếng là liêm khiết không ăn của đút. Ông vốn là cán bộ cách mạng đã được  trui rèn trong lửa đạn, luôn ghi nhớ lời bác Hồ dậy “ cần kiệm liêm chính, chí công vô tư” , bởi vậy ông thường răn dậy cấp dưới cấm không được hối lộ và nhận hối lộ, chỉ  được nhận quà  “dưới  mức tình cảm” . Cái đó là  tình đồng chí, đồng nghiệp ông không cấm. Chỉ trừ hối lộ tiền, vàng , hạt xoàn  lập tức ông lập biên bản đuổi cổ thẳng cánh.

Mặc dầu quyết liệt không ăn của đút, nhưng chỉ với số quà “dưới mức tình cảm”,  tức là mỗi dịp tết nhất, ngày lễ , ngày kỷ niệm, ngày sinh nhật...cả ngàn nhân viên dưới quyền ông mỗi người chỉ tới biếu ông một chai rượu tây cũng đủ cho bà mang bán đi thu về bạc tỉ thừa tiền  tậu nhà lầu, xe hơi , sâm nhung quế phụ, tấp nập kẻ hầu người hạ, con cái du học Hoa kỳ.

Sau khi rời ghế, chẳng còn ai lui tới biếu xén, hết rượu tây, hết cả quà cáp dù là dưới mức tình cảm, hết cả bổng lộc, ông lui về sống với bà vợ trong bốn bức tường lạnh chẳng bù cho hồi đương chức rầm rập kẻ lui người tới. 

Lạ thay với số lương hưu hàng tháng rất eo hẹp mà bà vẫn tạo cho ông mức sống khá dư dả. Ngày hai bữa ông vẫn có rượu tây , cua hấp, tôm nướng. Tẩm bổ cho ông vẫn có mật gấu, cao hổ cốt. Ngạc nhiên quá, ông mới hỏi bà tiền đâu ra xài sang dữ vậy, có khi còn hơn cả thời ông đương chức.

Bà nhìn ông bán tín bán nghi vì bà vẫn tưởng chuyện này lâu nay ông đã biết rồi ? Bà nói :

“ Vậy ra ông không biết hả ? Nguyên cái hồi ông ký giấy chỉ định thầu cho thằng Đài Loan nó mới hỏi tôi tuổi ông, cầm tinh con gì ? Tôi cũng thật thà khai ông tuổi Tý. Thế là đúng sinh nhật ông nó mang tới một con chuột bên trong bằng vàng bên ngoài sơn màu lông chuột, nhờ đó hàng tháng tôi mới xẻo ra bán dần chi phí hàng tháng ?”

Ông cán bộ hưu vội hỏi :

“ Vậy nó làm con chuột nhắt hay con chuột cống ?”

Bà thở dài :

“ Chắc nó sợ mình  không nhận nên chỉ làm con chuột nhắt thôi...”

Ông đập bàn la lớn :

“ Bà ngu thế ? Sao bà không bảo nó là tôi tuổi Sửu cho nó làm cả con trâu ...”

Tuồng tích hài kịch chỉ có nhiêu đó, vậy mà chèn đéc ôi, cả một rừng người  vỗ tay ào ào, cười nói nghiêng ngả, các bà các cô chẳng còn giữ ý giữ tứ,  há cả miệng ra cười ha hả, ông bà già đứng cả dậy vỗ đến rát cả tay, con nít cười đến hoác cả miệng hở cả răng sún. Ôi chao ôi là cái dân mình...chỉ mới chọc ghẹo quan tham một tí thôi đã sướng như  lên cung trăng, cười nói ầm ầm, huơ chân múa tay , nhẩy choi  choi chẳng còn biết  văn minh lịch sự là cái gì. Thật chẳng bù cho ở đây, cặp diễn viên hài Phi Nhung và Hoài Linh chọc cười khán giả hết cỡ mà mọi người cũng vẫn chỉ cười và vỗ tay trong vòng..lịch sự. Đó, người văn minh lịch sự thì đến cười cũng phải có văn hoá, đâu cứ hố hố, há há như cái dân mình. Rõ đúng là dân miệt vườn.



                                                (còn nữa)

0 nhận xét